Kết thúc năm 2009 tuần báo Time của Mỹ đã bình chọn và công bố danh sách Những cái nhất trong năm, trong đó có 10 phát minh y học tiêu biểu dưới đây.
1. Hướng dẫn mới về chụp tia X - vú ở phụ nữ
Tháng 11/2009 Cơ quan phòng chống dịch bệnh (PST) thuộc chính phủ Mỹ đã công bố những hướng dẫn mới về việc khám, chẩn đoán bệnh ung thư ở phụ nữ, đặc biệt là hướng dẫn mới về chụp tia X-vú. Theo PST thay vì chụp X quang ở tuổi 40 như trước đây nay phụ nữ có thể chụp X quang ở tuổi 50, ngoài ra PST cũng khuyến cáo phụ nữ hạn chế việc tự chẩn đoán vú của mình.
Ngay sau khi có những hướng dẫn trên, giới bác sĩ, bệnh nhân, nhóm người ủng hộ việc phòng chống bệnh ung thư đã phản đối cho rằng các khuyến cáo trên thực tế chỉ mang lại lợi ích cho ngành bảo hiểm và ảnh hưởng tới quyền lợi trực tiếp của người bệnh.
2. Vắc xin AIDS
Tháng 9/2009 một cuộc thử nghiệm kết hợp 2 loại vắcxin AIDS có quy mô cực lớn với tổng giá trị 105 triệu USD cho trên 16.000 tình nguyện viên nhằm kiểm chứng khả năng nhiễm virus HIV. Kết quả, vắcxin nói trên có thể giảm được nguy cơ nhiêm HIV xuống hơn 31%. Đây là những nhóm người đồng tính, đơn tính và được xem là loại vắcxin phòng ngừa AIDS hiệu quả nhất mà con người đạt được trong hơn 2 thập kỷ qua kể từ ngày ca nhiễm HIV đầu tiên bị phát hiện.
3. Cấp vốn cho việc nghiên cứu tế bào gốc
Ngày 9/3/2009 Tổng thống Mỹ Obama đã ký quyết định cấp vốn cho việc nghiên cứu tế bào gốc thay cho đạo luật cấm mà các thời tổng thống trước vẫn áp dụng. Nhờ có quyết định này, giờ đây các nhà khoa học có thể tự do sử dụng chi phí để phục vụ cho việc nghiên cứu nhiều dòng tế bào gốc khác nhau, thay vì phải chờ phê duyệt từ Viện y học quốc gia. Theo đạo luật này các nhà khoa học phải tự trách nhiệm về những nghiên cứu của mình, đặc biệt là những vấn đề có liên quan đến y học và đạo đức.
4. Vắcxin H1N1
Năm 2009 thế giới đã phải vật lộn với những khó khăn về kinh tế và dịch bệnh, đặc biệt là dịch cúm H1N1 và cũng từ thực tế này con người đã nghiên cứu sản xuất thành công vắcxin H1N1. Đây là loại vắcxin mới chỉ dùng một liều là có tác dụng, chính thức được đưa vào sử dụng tại Mỹ từ đầu tháng 10/2009, ưu tiên dùng cho trẻ nhỏ, người già, những người mắc bệnh mạn tính có hệ thống miễn dịch kém.
5. Ra đời chuột từ tế bào gốc
Tháng 7/2009 hai phòng thí nghiệm riêng biệt ở Trung Quốc thông báo cho hay họ đã lai tạo thành công những con chuột từ tế bào gốc chứ không phải từ các tế bào phôi thai. Chính xác là từ các tế bào IPS (Induced pluripotent stem), đây là những tế bào trưởng thành (thường từ tế bào da), trong đó người ta đã đặt lại chương trình để nó trở về trạng thái phôi thai bằng cách bổ xung thêm 4 gen mới. Qua đây cho thấy các tế bào IPS cũng có những tính năng và tác dụng giống như tế bào gốc dạng phôi thai, nguồn vật liệu tiềm năng này mở ra một triển vọng mới trong lĩnh vực chữa bệnh cho con người.
6. Sự thật về việc khám chữa bệnh ung thư tuyến tiền liệt
Khám hay không khám ung thư tuyến tiền liệt là một trong số những vấn đề rất nhiều người quan tâm, phát hiện sớm để can thiệp hoặc sống chung. Đề cập về vấn đề này tháng 3/2009 Viện ung thư quốc gia Mỹ (NCI) đã công bố một nghiên cứu dài 10 năm ở 76.000 đàn ông tình nguyện. Những người này được chia thành 2 nhóm, một nhóm khám định kỳ hàng năm bằng phương pháp thử test chất đặc trưng gây ung thư tuyến tiền liệt, thử máu để kiểm tra protein gây ung thư, nhóm còn lại không khám.
Sau 7 năm, 50 người ở nhóm đầu chết vì ung thư tuyến tiền liệt còn nhóm sau chỉ có 44 người tử vong. Như vậy việc phát hiện sớm bệnh này không hề làm giảm tỷ lệ tử vong. Với kết quả trên, Cơ quan phòng chống dịch bệnh (PST) của Mỹ khuyến cáo chỉ nên khám bệnh ở nhóm đàn ông từ 75 tuổi trở lên.
7. Những phát hiện mới về bệnh tự kỷ
Tự kỷ (Autism) là căn bệnh thường gặp ở trẻ và chứa đựng rất nhiều điều bí ẩn mà đến nay khoa học vẫn chưa khám phá hết nên có lúc người ta đổ tại vắcxin hay nhiễm độc thủy ngân. Theo số liệu của chính phủ Mỹ công bố mới đây thì tỷ lệ mắc bệnh tự kỷ ở trẻ em hiện tăng nhanh 1/100 so với 1/150 cách đây vài năm. Qua các nghiên cứu thực hiện trong năm 2009 vừa qua các nhà khoa học đã phát hiện thấy yếu tố di truyền, đặc biệt là các biến thể trong nhiễm sắc thể số 5, thủ phạm gây bệnh ở 15% số ca mắc bệnh. Đây là kết quả nghiên cứu ở trên 2000 gia đình có trẻ mắc bệnh.
8. Ra đời thuốc chống loãng xương mới
Loãng xương, gẫy xương là một trong số những căn bệnh nan y thường gặp ở nhóm người cao tuổi. Các loại thuốc chống loãng xương hiện có như Fosamax, Boniva và Reclas thường nhắm vào tế bào phá hủy xương nhưng nó vẫn còn tồn tại nhược điểm. Năm 2009 các nhà khoa học đã thử nghiệm thành công một loại hợp chất có tên là denosumab có tác dụng làm giảm nguy cơ gãy xương ở nhóm phụ nữ mãn kinh và ở đàn ông điều trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt, đây là 2 nhóm người có rủi ro mắc bệnh về xương cao nhất. Nguyên lý làm việc của denosumab là phong bế các tế bào gậm nhấm xương để làm chậm quá trình phá hủy xương, giúp cho xương khỏe hơn và tồn tại lâu hơn.
9. Phát hiện ra loại gen mới gây bệnh Alzheimer
Sau 15 năm nghiên cứu về bệnh Alzheimer (bệnh sa sút trí tuệ) các nhà khoa học đã tìm thấy một loạt gen thủ phạm "đánh cắp" trí nhớ của con người, nhất là ở nhóm trên 60 tuổi trở ra. Hai gen đầu tương tác với các mảng tiểu cầu amyloid-protein được tạo ra trong não người bệnh và cuối cùng là phá hủy tế bào thần kinh gây suy giảm trí nhớ. Gen thứ 3 ảnh hưởng mang tính tổng hợp tới các tế bào thần kinh nơi mà các hóa chất thần kinh làm nhiệm vụ ngắt các tín hiệu từ một tế bào thần kinh này tới cho tế bào thần kinh kia. Cho đến nay người ta cũng biết rõ cơ chế cụ thể gây bệnh của các gen nói trên, tuy nhiên bước đầu biết được các gen này người ta có thể bào chế ra những loại thuốc mới có tác dụng tốt hơn cho người bệnh.
10. Phát hiện ra mỡ nâu trong cơ thể người lớn
Tạp chí New England Journal of Medicine của Mỹ số ra tháng 4/2009 đã đăng tải một nghiên cứu của các nhà khoa học nước này về việc phát hiện ra loại mỡ nâu trong cơ thể những người trưởng thành. Sở dĩ gọi là mỡ nâu (Brown fat) là vì nó chứa nhiều ty lập thể màu tối (hợp chất làm nhiệm vụ nạp năng lượng cho tế bào), kích hoạt bẻ gãy đường thành nhiệt và tiêu thụ nhiều năng lượng hơn các loại mỡ trắng.
Nói cách khác là mỡ nâu đốt năng lượng nhiều hơn là lưu giữ. Qua nghiên cứu các nhà khoa học đã phát hiện thấy mỡ nâu cũng có rất nhiều trong cơ thể động vật gậm nhấm và trẻ nhỏ để giúp cơ thể duy trì nhiệt độ nhưng ở những người già thì việc lưu giữ mỡ nâu lại giảm còn mỡ trắng lại tăng và những người gầy thường có nhiều mỡ nâu hơn những người béo và hoạt động mạnh vào mùa đông.