Cái nôi của nhiều công trình khoa học

08:51, 22/01/2010

Trong nhiều năm qua, ngoài nhiệm vụ đào tạo cho các tỉnh phía Bắc những kỹ sư nông lâm nghiệp, Trường Đại học Nông lâm còn tạo ra được rất nhiều những sản phẩm khoa học và công nghệ có tính đặc thù của vùng, giải quyết được những yêu cầu thực tiễn sản xuất và bảo vệ môi trường…  

 

Thầy giáo Nguyễn Hữu Thọ, Phó trưởng Phòng Quản lý Khoa học và Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên) tự hào: Đây là ngôi trường đào tạo ra những người thầy của nông dân. Vì thế, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhiều sinh viên đã tích cực cùng giảng viên của Trường tham gia thực hiện nghiên cứu các đề tài khoa học.

 

Điển hình như Đề tài nghiên cứu, chọn tạo giống lúa Nông Lâm số 3. Thầy trò Nhà trường đã cống hiến cho xã hội một sản phẩm lương thực chất lượng cao, có giá trị kinh tế cao hơn 1,5 lần so với các giống lúa thường khác. Hiện giống Nông Lâm số 3 được nông dân các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Thanh Hoá thực hiện gieo cấy trên diện tích gần 60 ha. Điều quan tâm là trong quá trình thực hiện nghiên cứu, các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ của Nhà trường đứng tên chủ đề tài, hướng dẫn cho sinh viên và nông dân cùng tham gia thực hiện. Qua đó sinh viên có cơ hội học tập, nghiên cứu và rèn luyện để trở thành một kỹ sư nông lâm giỏi.

 

Ở cương vị Phó trưởng phòng, đồng thời là giảng viên của Trường, từ năm 2007 đến nay, thầy Thọ cũng đã có 2 đề tài nghiên cứu khoa học. Đề tài "Phân tích chuỗi giá trị ngành chè tỉnh Thái Nguyên" đề cập, phân tích các mối liên kết xã hội có liên quan tới sản phẩm chè, qua đó đưa ra được một số giải pháp về sản xuất, tiêu thụ chè cho nông dân… Đây là một trong những đề tài cấp Bộ, được Hội đồng Khoa học (Bộ Giáo dục - Đào tạo) đánh giá cao. Hiện thầy Thọ đang tiếp tục thực hiện Đề tài "Đánh giá tính bền vững của mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn Việt GAP". Thầy Thọ cho biết: Đề tài được thực hiện tại xã Phúc Thuận (Phổ Yên), có 19 hộ nông dân tham gia mô hình với diện tích 6,1 ha. Dự kiến đề tài được kết thúc vào cuối năm 2010. Đề tài thành công sẽ góp phần giúp bà con nông vùng chè nâng cao được năng suất, chất lượng, giá thành cho sản phẩm, góp phần giúp nông dân có nhiều hơn cơ hội xoá đói giảm nghèo.

 

Với Nhà trường, năm 2009 còn được coi là năm gặt hái được nhiều thành tích trong công tác nghiên cứu khoa học. Với tổng số gần 200 đề tài của thầy - trò đăng ký được triển khai, trong đó có 1 đề tài cấp Nhà nước; 41 đề tài cấp Bộ, còn lại là đề tài cấp trường và cấp cơ sở… với tổng kinh phí thực hiện trên 3,7 tỷ đồng, so với năm 2008 và nhiều năm trước đây, số lượng đề tài tăng 240%, riêng cấp Bộ tăng hơn 29 đề tài so với cùng kỳ năm trước. Điểm nổi bật là năm 2009 vừa qua, Hội đồng Khoa học Nhà trường đã xét duyệt gần 70 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên, các đề tài này cũng đã thu hút được trên 300 sinh viên của Trường tham gia. Trong năm Nhà trường đã đăng ký 30 công trình khoa học của sinh viên và giáo viên trẻ tham gia "Hội nghị Khoa học trẻ toàn quốc" và đem về 2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 9 giải Ba. Trong đó đề tài "Nghiên cứu tuyển chọn giống hoa Đồng tiền tại Thái Nguyên" của sinh viên Đoàn Thị Luyến, K36, Khoa Nông học; Đề tài "Nghiên cứu sử dụng chế phẩm vi sinh vật phân giải chất hữu cơ để xử lý rác thải sinh hoạt làm phân bón bảo vệ môi trường" của sinh viên Nguyễn Ngọc Sơn Hải, K36, Khoa Tài nguyên và Môi trường đạt giải Nhất.

 

Hầu hết các đề tài nghiên cứu khoa học của Trường sau nghiệm thu đều được triển khai ứng dụng vào thực tế và đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: sản phẩm Vắc xin tại chỗ phòng bệnh phân trắng lợn con được chế tạo từ kháng nguyên tại chỗ là các chủng vi khuẩn E.coli gây bệnh. Do được chế tạo từ kháng nguyên tại chỗ nên tính đặc hiệu cao, phòng bệnh qua lợn mẹ nên an toàn cho lợn sơ sinh… Tại thị trường Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng… từ một số năm nay cũng đã xuất hiện sản phẩm hoa tươi chất lượng cao như Lily, Lay ơn, đồng tiền Hà Lan và hoa cẩm chướng. Đó là một trong những sản phẩm khoa học của thày-trò Trường Đại học Nông Lâm nghiên cứu thành công và chuyển giao cho nông dân. Mỗi năm, sản phẩm hoa tươi chất lượng cao đã mang lại lợi nhuận cho nông dân hàng trăm triệu đồng.

 

Hiệu trưởng Nhà trường, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Kim Vui cho chúng tôi biết: Để khuyến khích, động viên và đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên và sinh viên tích cực tham gia công tác nghiên cứu khoa học, từ năm 2007 đến nay, kinh phí đầu tư cho các đề tài nghiên cứu đã tăng từ 2 triệu đồng/đề tài lên 5 triệu đồng/đề tài. Cá biệt có Đề tài "Chế tạo sản phẩm Antigum phòng trị bệnh Gumbro/gà" của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Tuyên thực hiện năm 2009 được cấp kinh phí 30 triệu đồng phục vụ cho quá trình nghiên cứu, thực nghiệm. Hiện sản phẩm đã được ứng dụng vào sản xuất chăn nuôi.