Mục đích là không phải để được tôn vinh, những nông dân đam mê lao động thực hiện nghiên cứu khoa học mong muốn đem lại hiệu quả kinh tế, giải phóng sức lao động cho các thành viên trong gia đình. Xuất phát từ suy nghĩ như vậy nhiều nông dân Thái Nguyên đã tự mày mò cải tiến nông cụ, xử lý chất thải chăn nuôi, lai tạo giống cây trồng, vật nuôi… không ít người đã thành công.
Đối với các hội viên nông dân ở xóm Trại, xã Tân Hương (Phổ Yên), lão nông Trần Văn Hiền ở cùng xóm không chỉ là một tấm gương sáng về lao động và ý chí làm giàu mà còn là một người có kiến thức “uyên thâm” về chăn nuôi. Ở xóm Trại, nghề nuôi cá giống đã có cả chục năm nay nhưng Hiền lại nung nấu ý tưởng phải tạo ra những giống cá có chất lượng, năng suất hơn những giống cá bà con trong xóm đang sở hữu. Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, ông Hiền nắm rõ đặc tính sinh sản, môi trường sống của nhiều loài cá, trong đó, có cá rô phi nhưng nếu cá rô phi chỉ nuôi theo phương pháp truyền thống cho sản lượng thấp, giá rẻ. Sau nhiều ngày tìm kiếm tài liệu, mua cá rô phi đơn tính có bán ngoài thị trường về nghiên cứu, nông dân Trần Văn Hiền đã quyết định tự mình nhân giống cá rô phi đơn tính và nuôi loài cá này trên ruộng trũng.
Mặc dù đã đến một số cơ sở sản xuất thuỷ sản của Nhà nước để tìm hiểu quy trình nhưng lần nhân giống cá rô phi đơn tính đầu tiên của nông dân Trần Văn Hiền chưa thành công. Những lần tiếp theo cá giống không đạt như ý tưởng và phải mất cả năm thực nghiệm ông mới có được giống cá rô phi đơn tính cho năng suất, chất lượng thịt cao. Đọc Đề tài nghiên cứu “Sản xuất, xử lý giống cá rô phi đơn tính, nuôi thâm canh cá rô phi đơn tính dòng GIPFT trên ruộng trũng 1 lúa 1 cá” của nông dân Trần Văn Hiền do Hội Nông dân tỉnh cung cấp, chúng tôi đã tìm đến gặp trực tiếp ông tại xóm Trại. Điều khiến chúng tôi thấy thú vị là ông Hiền rất giản dị, thẳng thắn và những điều ghi trong Đề tài chỉ là một phần trong công việc ông đã làm. Theo ông Hiền, để có giống cá rô phi đơn tính mà bà con ở Tân Hương và một số xã của Phổ Yên đang nuôi, ông đã mất thời gian nghiên cứu không phải một năm mà gần 10 năm. Thành công có được là do ông Hiền đã cẩn trọng ngay từ những việc làm rất nhỏ như: chọn được cá giống bố mẹ, thời gian cho sinh sản, môi trường cách ly, môi trường sản xuất và tất nhiên có cả những “bí mật nghề nghiệp”.
Không chỉ có nông dân Trần Văn Hiền mà qua các cấp Hội Nông dân trong tỉnh, chúng tôi đã được tiếp cận với một số hội viên nông dân có thành tích trong nghiên cứu khoa học và đề tài của họ đã được ứng dụng trong thực tế sản xuất. Điều dễ nhận thấy trong các đề tài nghiên cứu của nông dân chính là không mang nặng tính lý thuyết mà có tính khả thi. Đơn cử như nông dân Vũ Ngọc Tăng ở phường Lương Châu (T.X Sông Công) lại luôn có ý tưởng tìm kiếm những chỗ “khuyết tật”, thiếu sót của các loại máy phục vụ nông nghiệp để cải tạo, bổ sung. Vì vậy, khi Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật anh đã gửi tham gia 2 đề tài: “Cải tiến máy cày cầm tay áp dụng trong sản xuất nông nghiệp” và “ứng dụng tiến bộ gieo mạ trên khay nhựa mềm”.
Trao đổi với chúng tôi, anh Tăng cho biết: Khi dùng máy cày cầm tay tôi thấy nhà sản xuất chỉ chú trọng đến tính hiệu quả của máy còn các vấn đề về an toàn cho người sử dụng ít được quan tâm. Sau một thời gian sử dụng và nghiên cứu, tôi thấy nên lắp thêm hệ thống chắn bùn, thiết kế thêm chỗ ngồi cho người sử dụng để vừa tạo trọng lực giúp đường cày sâu hơn, vừa giải phóng sức người. Việc anh Tăng cải tiến máy cày ban đầu chỉ có ý phục vụ gia đình mình nhưng sau khi thấy được những tác dụng của việc cải tiến, một số nông dân ở phường Lương Châu đã nhờ anh giúp và họ đều khẳng định có hiệu quả thiết thực. Đối với đề tài nghiên cứu khoa học của các nông dân: Lê Văn Tự (xóm Bến, xã Đắc Sơn, Phổ Yên); Nguyễn Văn Phương (phường Cam Giá, T.P Thái Nguyên); Nguyễn Văn Kim, xóm Nam Thái, xã Tân Cương, T.P Thái Nguyên) ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng cái chung nhất đều là kiến thức được họ tích luỹ trong nhiều năm sản xuất và có thêm những sáng kiến của riêng mình.
Những sáng kiến nêu trên chưa mang lại lợi ích kinh tế lớn và mới chỉ được ứng dụng trong phạm vi gia đình nhưng đã phần nào khẳng định được khả năng tiềm tàng về nghiên cứu khoa học của những người nông dân chân lấm tay bùn. Do vậy nên được khuyến khích, có sân chơi thường xuyên thì hoạt động nghiên cứu khoa học của nông dân trong tỉnh chắc chắn sẽ sôi động hơn…