Ấn Độ sẽ đưa người lên vũ trụ năm 2016

08:09, 02/02/2010

Cơ quan hàng không vũ trụ Ấn Độ đã có kế hoạch phóng tàu vũ trụ có người lái vào năm 2016, nếu như Chính phủ phê duyệt ngân sách cho dự án, một quan chức tuyên bố.

 

Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ (Indian Space Research Organization ISRO) đã đề nghị Chính phủ duyệt chi 120 tỷ rupi (tương đương 2,6 tỷ đôla) để đưa hai nhà du hành vũ trụ lên không gian bay trong 1 tuần, người phát ngôn của ISRO là S. Satish nói trong một cuộc họp báo.

 

Chính phủ Ấn Độ đã cung cấp một ngân sách tiền-dự-án cho Cơ quan hàng không vũ trụ Ấn Độ khoảng 4 tỷ rupi (tương đương 87 triệu đôla), cho phép các nhà khoa học thuộc tổ chức này thực hiện một số nghiên cứu ban đầu về một chuyến bay vũ trụ. ISRO tin rằng “Chính phủ sẽ đồng ý để dự án có thể thực hiện đúng tiến độ”.

 

Vào tháng 10-2008, Ấn Độ đã phóng vệ tinh mang tên Chandrayaan-I bay quanh Mặt trăng nhưng một năm sau đó, do trục trặc về mặt thông tin liên lạc nên các nhà khoa học không kiểm soát được vệ tinh ấy nữa.

 

Chandrayaan-1 đã đưa Ấn Độ gia nhập Câu lạc bộ các nước đã đưa tàu lên Mặt trăng bao gồm Mỹ, Nga, Tổ chức vũ trụ châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản.

 

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, Ấn Độ cũng trở thành một cường quốc khoa học - công nghệ. Trung Quốc, người láng giềng và đối thủ của Ấn Độ đã có những bước tiến lớn trong khoa học không gian và năm 2003 đã trở thành nước châu Á đầu tiên đưa những nhà du hành của mình lên quỹ đạo. Tiếp đó, năm 2008, họ đã bước ra được khoảng không vũ trụ.

 

Tiếp sau Chandrayaan, tiếng Phạn có nghĩa là “con tàu Mặt trăng”, Ấn Độ dự kiến sẽ đặt một chiếc xe tự hành lên Mặt trăng để nghiên cứu vào năm 2011. Nước đông dân thứ hai này đã khởi đầu chương trình vũ trụ của họ từ những năm 1960 và từ năm 1975 đã phóng 50 vệ tinh viễn thông của chính mình và phóng thuê cho các nước khác 22 vệ tinh nữa.