Một mô hình sản xuất và nghiên cứu hiệu quả

08:54, 10/03/2010

Những ngày đầu xuân này, đến thăm một mô hình sản xuất  kết hợp với nghiên cứu khoa học của nhóm các nhà khoa học Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên ở xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, chúng tôi thật ngỡ ngàng trước những cây bưởi, cam, quýt, ổi… đang đua nhau đâm chồi, nở hoa, hứa hẹn một mùa bội thu.

Đây là khu chăn nuôi, nghiên cứu động vật quý hiếm và chọn tạo giống cây trồng. Với diện tích trên 5 ha, nằm sát ven sông Cầu (bên kia sông là xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ), khu trang trại có cảnh quan đẹp, rất thuận lợi cho việc tưới tiêu nước.

 

Được biết khu đất này thuộc Công ty cổ phần Khoáng sản miền núi (trước đây khu đất thuộc Công ty Dâu Tằm Tơ, làm ăn không có hiệu quả) giao cho nhóm các nhà khoa học gồm Thạc sĩ Trần Đình Quang, Phó bộ môn Công nghệ Sinh học và Công nghệ thực phẩm và PGS.TS Ngô Xuân Bình, Phó Chủ nhiệm Khoa Nông học, Viện trưởng Viện khoa học sự sống, Trường Đại học Nông lâm thuê lại và tự bỏ vốn đầu tư xây dựng trang trại từ mảnh đất hoang hóa này với mục đích sản xuất và nghiên cứu trong nông nghiệp. Đến nay, khu trang trại đã đi vào hoạt động được 4 năm,  thu hút được nhiều nhà khoa học cùng tham gia nghiên cứu. Được biết, đã có 2 gia đình là anh Lỗ Văn Tràn và anh Nguyễn Văn Luyện, người huyện Đại Từ được thuê về đây làm công nhân và trông coi khu trang trại. Họ được xây dựng nhà để ở, sinh con là gắn bó luôn với mảnh đất này. Vật nuôi ở đây đều là những loài quý hiếm như hươu, nai, ngựa bạch, lợn rừng thuần và lợn rừng lai (lai giữa giống lợn rừng thuần và giống lợn mán vùng Pắc Nậm - Bắc Kạn qua nhiều thế hệ để tạo con lai có tỷ lệ máu lợn rừng cao).

 

Hươu, nai ngoài nuôi lấy nhung còn bán giống và thịt. Trung bình hàng tháng trang trại nuôi từ 40-50 con hươu, trên 100 con lợn rừng, và gần 30 con ngựa bạch. Bước đầu nguồn thu nhập từ chăn nuôi đủ chi phí cho sản xuất và nghiên cứu khoa học. Khu trang trại đã gắn được việc nghiên cứu và thực tập của các nhà khoa học, sinh viên Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên và các cơ sở nghiên cứu - đao tạo khác. Nhiều nghiên cứu đã được triển khai tại đây như: “Nghiên cứu về nuôi dưỡng lợn rừng thuần và lai tạo giữa lợn rừng thuần với lợn địa phương” với sự tham gia của PGS.TS Trần Phùng (Viện Khoa học Sự sống), PGS.TS Nguyễn Văn Bình, (Trường Cao Đẳng Kinh tế - Kỹ thuật); “Nghiên cứu bảo tồn gen và sinh sản giống ngựa bạch" với sự tham gia của GS.TS Nguyễn Quang Tuyên và TS Dương Mạnh Hùng (Trường Đại học Nông lâm); “Nghiên cứu về sinh sản và khả năng sản xuất nhung, thịt của một số giống hươu, nai” với sự tham gia của cán bộ, sinh viên Khoa Chăn nuôi - Thú y (Trường Đại học Nông lâm); “Nghiên cứu kỹ thuật thâm canh giống ổi Đài Loan”; “Nghiên cứu kỹ thuật thâm canh một số giống cỏ cao sản” của Ths Trần Đình Quang và cán bô, giáo viên, sinh viên Khoa Nông học (Trường Đại học Nông lâm); “Nghiên cứu chọn tạo giống cam, quýt và đánh giá khả năng thích ứng của một số giống bưởi đặc sản” của PGS. TS. Ngô Xuân Bình và cán bộ, giáo viên, sinh viên Khoa Nông học (Trường Đại học Nông lâm)... Trang trại đang trồng thử nghiệm các giống bưởi đặc sản của cả nước như: Năm Roi, Phúc Trạch, Da Xanh, Đoan Hùng, Diễn... và nhiều dòng bưởi, cam, quýt có triển vọng do Bộ môn Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Khoa Nông học lai tạo. Hiện nay, trang trại đã có các sản phẩm thương mại: con giống lợn rừng, hươu, nai, ngựa bạch; sản phẩm thịt: lợn rừng, hươu, nai; nhung hươu, nai; cây giống: ổi, cỏ VA06, bưởi, cam, quýt... cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

 

Hàng ngày, người dân xóm Gốc Gạo không chỉ chứng kiến nhiều nhóm các nhà khoa học, doanh nghiệp đến tham quan, nghiên cứu trao đổi kinh nghiệm mà trang trại còn là địa điểm lý tưởng cho các sinh viên Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên thực tập các chuyên ngành chăn nuôi, trồng trọt, sinh học ứng dụng... Mặc dù khu trang trại mới đi vào hoạt động được 4 năm, nhưng trung bình mỗi năm đã đón từ 50-100 sinh viên thực tập, 4-6 học viên cao học (thạc sỹ) và 1-2 nghiên cứu sinh sử dụng trang trại làm nơi nghiên cứu, phục vụ quá trình học tập.