Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tới Pháp để tham dự các hoạt động của Hội nghị quốc tế về tiếp cận hạt nhân dân sự.
Hội nghị diễn ra trong hai ngày 8-9/3 tại trụ sở Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), với sự tham dự của các bộ trưởng, các nhà hoạch định, công nghiệp, tài chính đến từ 65 nước trên thế giới. Các nhà lãnh đạo hàng đầu của các tổ chức quốc tế về hạt nhân cũng có mặt.
Được tổ chức theo sáng kiến của Pháp và với sự phối hợp của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Cơ quan năng lượng nguyên tử của OECD (OECD/NEA), mục đích của hội nghị là khuyến khích việc sử dụng có trách nhiệm năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Đây là một bước đệm để tiến tới Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về an toàn hạt nhân sẽ diễn ra vào ngày 12-13/4 tại Washington (Mỹ).
Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Nicolas Sarkozy, tân Tổng giám đốc IAEA Yukiya Amano và Tổng thư ký OECD Angel Gurria đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của điện hạt nhân đối với sự phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh thế giới đang đấu tranh chống lại sự biến đổi khí hậu gây hiệu ứng nhà kính và nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên hóa thạch trên thế giới.
Nhân dịp này, Tổng thống Pháp kêu gọi hội nghị "hướng tới một sự hợp tác và đoàn kết giữa các quốc gia vì một nền kinh tế thế giới mạnh mẽ hơn, sạch hơn và đúng đắn hơn".
Với các chủ đề liên quan đến "sự hồi sinh" của điện hạt nhân trong thế giới dân sự, các cuộc tọa đàm bàn tròn giúp các đại biểu có cơ hội tiếp cận nhiều khía cạnh của việc xây dựng một chương trình điện hạt nhân, các phương tiện trợ giúp các nước muốn phát triển các chương trình như vậy thông qua hợp tác song phương và đa phương, phù hợp với các quy ước quốc tế.
Bên lề hội nghị, Bộ trưởng Hoàng Văn Phong và đoàn Việt Nam đã có một số cuộc tiếp xúc song phương với phái đoàn Nhật Bản và các đối tác Pháp như tập đoàn điện lực Pháp (EDF) và Ủy ban về năng lượng nguyên tử (CEA). Bộ trưởng Hoàng Văn Phong đánh giá cao sự hợp tác và giúp đỡ của các nước- trong đó có Nhật Bản và Pháp và các tổ chức hạt nhân quốc tế như IAEA, NEA, đặc biệt trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý, tổ chức các cuộc hội thảo, tuyên truyền và phổ biến kiến thức để người dân hiểu biết hơn về điện hạt nhân.
Bộ trưởng khẳng định sự hợp tác và giúp đỡ quốc tế là một nguồn lực quan trọng đối với việc thực hiện thành công chương trình năng lượng hạt nhân dân sự của Việt Nam và mong sẽ nhận được sự ủng hộ quốc tế nhiều hơn nữa để thúc đẩy quá trình phát triển hạt nhân dân sự ở Việt Nam vì mục đích hòa bình.
Đại diện phái đoàn Nhật Bản, đại diện các cơ quan EDF và CEA của Pháp bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực phát triển điện hạt nhân, trong đó nhấn mạnh tới các khía cạnh về an toàn hạt nhân, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và phát triển mạng lưới các ngành công nghệ phụ trợ.
Với nhận định trong thời gian tới, điện hạt nhân sẽ phát triển mạnh nhất ở châu Á, Pháp mong muốn xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử với các nước ở khu vực này, trong đó có Việt Nam.