Sau hơn 10 ngày nảy mầm, những “hạt thóc 3.000 năm” khai quật được tại di chỉ Thành Dền (Cổ Loa) đã phát triển thành những cây mạ tươi tốt. Các nhà khoa học đang chờ một kết quả khả quan về giống lúa quý báu của người Việt xưa.
Hiện tại, những “cây lúa 3.000 năm tuổi” đang được nuôi dưỡng và chăm sóc một cách cẩn thận tại phòng Bệnh học phân tử, Viện Di truyền Nông nghiệp (thuộc Viện Khoa học Nông Nghiệp, Bộ NN&PTNN).
TS. Phạm Xuân Hội, trưởng phòng Bệnh học phân tử, người trực tiếp chịu trách nhiệm chăm sóc các cây lúa cổ cho biết, Viện tiếp nhận 10 cây mạ được nảy mầm từ những hạt thóc khai quật được ở Thành Dền theo hai đợt. Vào ngày 12/05, Viện nhận được 8 cây và và mới đây, ngày 16/05 viện nhận thêm 2 cây nữa từ các nhà khảo cổ.
Hiện tại trong số 8 cây mà viện tiếp nhận đợt đầu đã có hai cây cao 15 cm. Hai cây đợt sau phát triển ngang nhau. Về hình dạng và quá trình sinh trưởng, TS. Phạm Xuân Hội, cho biết ngoài hình thái lá hơi mảnh, hẹp, những “cây mạ 3.000 tuổi” này sinh trưởng không khác nhiều so với những cây lúa hiện đại.
Để so sánh và đối chiếu với các giống lúa hiện đại, các nhà khoa học tại Viện Di truyền Nông Nghiệp đã trồng hai cây "mạ cổ" Thành Dền mới nhận được cùng với 4 cây mạ thuộc giống lúa Q5 của Việt Nam và một cây mạ thuộc giống lúa Pusa Basmati của Ấn Độ để so sánh.
Theo TS. Hội thì những “cây lúa cổ” Thành Dền vẫn đang phát triển rất tốt và chưa có bất cứ dấu hiệu nào bất thường.
TS. Hội cũng cho biết, trước mắt, các nhà chuyên môn sẽ cố gắng chăm sóc để cây sinh trưởng và cho hạt. Sau đó mới có thể tiến hành các thí nghiệm để xác minh niên đại thực sự của những cây lúa này.