Ông Đoàn Trọng Đức, Phó Giám đốc Trung tâm ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ tỉnh Kon Tum cho biết việc nhân giống vô tính và sản xuất sinh khối rễ cây sâm Ngọc Linh đã thành công.
Đồng thời, đã có hàng nghìn cây sâm Ngọc Linh trồng thành công trong ống nghiệm và di thực trồng, sinh trưởng tốt tại các địa phương trong tỉnh Kon Tum.
Ngoài ra, các nhà khoa học của Viện sinh học Tây Nguyên nghiên cứu và sản xuất sinh khối rễ sâm Ngọc Linh (phát triển cây sâm lấy rễ) dùng trong chế biến thực phẩm chức năng chiết khấu từ rễ cây sâm. Với sự thành công trong việc nhân giống này, trong tương lai sẽ đảm bảo đủ cung cấp cho nhu cầu cây sâm Ngọc Linh giống.
Sâm Ngọc Linh là cây có giá trị kinh tế, y dược cao. Hiện tại nguồn cây tự nhiên đã cạn kiệt. Việc dùng phương pháp lấy hạt nhân giống hiệu quả không cao khi lượng hạt rất ít.
Hạt không đảm bảo tỷ lệ sống và đặc tính di truyền vì vậy đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu nhân giống vô tính và sản xuất sinh khối rễ sâm Ngọc Linh” đã được triển khai tại Kon Tum từ năm 2008 và dự kiến kết thúc vào năm 2011, bước đầu đã thành công.
Với phương pháp cấy mô này, mỗi năm tỉnh Kon Tum có thể sản xuất được hàng trăm ngàn cây giống đáp ứng nhu cầu thị trường.