Các nhà khoa học vừa công bố phát hiện loài ếch mới có màu cam sặc sỡ hơi ngả sang màu đỏ với nhiều tuyến sần sùi trên da tại đỉnh núi hẻo lánh thuộc rặng núi Western Ghats, phía tây Ấn Độ.
“Loài ếch mới được đặt tên là Raorchestes resplendens, chỉ sống trong vườn quốc gia Eravaikulam - khu vực ít hơn 3km2 nằm trên Anamudi - đỉnh núi cao nhất (2.698m) của rặng núi Western Ghats và ngay lập lức, nó xứng đáng được bảo tồn ưu tiên”, các nhà khoa học nói trên tạp chí khoa học hiện thời Current Science của Viện Khoa học Ấn Độ.
“Mặc dù đã tập trung tìm kiếm ếch Raorchestes resplendens tại các địa điểm lân cận, nhưng chúng tôi đã không thấy dấu vết của loài này” - tiến sĩ nghiên cứu lưỡng cư S.D. Biju công tác tại Khoa nghiên cứu môi trường thuộc Đại học Delhi (Ấn Độ) cùng đồng nghiệp Franky Bossuyt làm việc tại Đại học Tự do Brussels (Bỉ) - nói.
Ông S.D. Biju cho biết thông qua nghiên cứu cẩn thận về gải phẩu và hệ gen, đã xác định ếch Raorchestes resplendens có màu sắc sặc sỡ là một loài mới. Nó là một thành viên mới độc đáo của gia đình ếch Rhacophoridae mà có khoảng 300 loài sống trải dài khắp vùng rừng nhiệt đới châu Á và châu Phi. Gia đình ếch này thường tạo bọt làm tổ và vòng đời của chúng không có giai đoạn nòng nọc. Chúng sinh sản từ mặt đất đến tán rừng, vì thế chúng còn được gọi là ếch bụi rậm hoặc ếch cây.
“Loài ếch Raorchestes resplendens có các chi rất ngắn và nhiều tuyến phồng lên trên da giống như cóc. Mục đích sử dụng những tuyến này chưa được xác định rõ, chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ hơn về vai trò và chức năng của chúng trong tương lai”, tiến sĩ S.D. Biju giải thích.
Hiện tại, các nhà khoa học đang nghiên cứu hành vi sinh sản của ếch Raorchestes resplendens. Ếch cái có thể giao phối với nhiều con đực và gây giống nhiều lần trong một mùa kết đôi.
Cặp ếch Raorchestes resplendens quý hiếm có màu sắc sặc sỡ và da sần sùi trông giống như cóc. |
Ông S.D. Biju và các đồng nghiệp đã may mắn bắt gặp và quan sát một cặp ếch quý hiếm của giống ếch này đang ẩn náu và thực hiện hành vi giao phối trong một bụi tre vào một buổi chiều (16 giờ) trên đỉnh núi Anamudi. Khi màn đêm buông xuống (20 giờ), ông S.D. Biju phát hiện ếch cái đẻ trứng dưới thảm rừng mọc đầy rêu và trứng được vùi sâu vào gốc bụi tre. Cả ếch bố mẹ và ổ trứng được các nhà khoa học thu thập, đem về phòng thí nghiệm. Họ cảm thấy rất thú vị khi quan sát quá trình nở của trứng trông giống như một bong bóng thủy tinh.
Điều mà các nhà khoa học lo lắng nhất hiện nay là ếch Raorchestes resplendens sống trong phạm vi hẹp của rặng núi Western Ghats - nơi hệ sinh thái mỏng manh đang bị đe dọa bởi các hoạt động phát triển, do đó nó có thể rất dễ bị tổn thương và đứng bên vờ vực tuyệt chủng.
Khoảng 1/3 các loài động vật lưỡng cư trên thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng, mà một trong những nguyên nhân chính được xác định là phá hủy môi trường sống do những hoạt động khai thác của con người.