Truyền thông nước Anh ngày 21/6 đưa tin, bệnh nhân bị bại liệt một ngày nào đó có thể tự cử động nhờ một con chip gắn trong não cùng với các chi nhân tạo được kiểm soát.
Các nhà khoa học Anh gần đây đang nghiên cứu và phát triển một loại chip chỉ rộng 1cm.
Khi con người muốn thực hiện một động tác nào đó, điện cực trên con chip này sẽ nhanh chóng nhận tín hiệu xung lực của thần kinh, thông qua kỹ thuật xử lý số liệu để phân tích hoạt động thần kinh của đại não, qua đó giải mã suy nghĩ của con người.
Cuối cùng thiết bị này sẽ truyền thông tin từ trong đại não ra ngoài, phát tín hiệu cho các chi giả được kết nối với chip.
Theo phân tích của các nhà khoa học, những bệnh nhân bại liệt do tủy sống bị tổn thương không thể cử động được bốn chi, song đại não của họ không bị ảnh hưởng.
Một nhà khoa học cho biết: "Các bệnh nhân tự biết họ muốn làm gì, chỉ có điều tổ chức tủy sống bị tổn thương đã phá hỏng hệ thống truyền phát tín hiệu của đại não. Nếu có thể thu thập và giải mã được những tín hiệu này thì bệnh nhân chỉ cần có chi giả là hoạt động bình thường trở lại."
Kỹ thuật chip tương tự đã được thí nghiệm trên cơ thể khỉ, tuy nhiên lúc đó sử dụng thiết bị truyền dẫn hữu tuyến thông qua lỗ nhỏ được khoan trên xương sọ của khỉ. Rõ ràng kỹ thuật này vừa không thích hợp với người, vừa không thẩm mỹ, hơn nữa còn có nguy cơ gây nhiễm trùng.
Các nhà khoa học tin rằng trong vòng 5 năm tới loại chip vô tuyến gắn vào não người sẽ có thể được nghiên cứu và chế tạo thành công. Tới lúc đó, những bệnh nhân có tổ chức tủy sống bị tổn thương gây liệt sẽ có hy vọng hoạt động bình thường trở lại.