Hệ thống thoát nước từ thời nhà Tống vừa cứu một thành phố phía nam Trung Quốc khỏi những trận lụt nghiêm trọng.
Mưa lớn và lũ quét gây thiệt hại tới gần 3 tỷ USD tại Trung Quốc và cướp mạng sống của hơn 100 người. Chỉ riêng trong tuần trước gần 40 người chết vì lở đất. Nhiều thành phố rơi vào tình trạng ngập úng nặng nề do hệ thống thoát nước tỏ ra không hiệu quả trong những trận mưa lớn.
Nhưng, theo Xinhua, trong lúc nhiều khu vực xung quanh chìm trong nước thì 100.000 người dân của thành phố cổ Cám Châu, tỉnh Giang Tây vẫn bình yên vô sự. Thành phố này an toàn và khô ráo nhờ hai cống thoát nước được xây bằng gạch nung từ thời nhà Tống (960-1279). Chúng có niên đại khoảng 900 năm.
Hai hệ thống tỏ ra hiệu quả hơn hẳn những cống ngầm thời hiện đại trong việc thoát nước. Chúng chạy ngang qua thành phố và dẫn nước lũ vào hai ao. Người thiết kế đặt tên cho chúng là Phát và Thọ.
“Những cư dân cổ tại Cám Châu áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến trong việc trị thủy. Họ xây 12 cổng ở miệng cống. Những cổng đó chặn nước lũ trong mùa mưa. Khi mực nước sông thấp hơn cổng, nước từ trong cống chảy ra ngoài. Nhưng nếu nước bên ngoài thành phố dâng lên, các cổng đóng lại để nước không thể tràn vào”, Telegraph dẫn lời Wang Ronghong, giám đốc văn phòng quản lý và bảo dưỡng các dự án của thành phố Cám Châu.
Những người xây dựng hai hệ thống thoát nước cũng tận dụng địa hình lồi tự nhiên của thành phố để dẫn nước ra ngoài nhanh hơn. Vài trăm ao, hồ trong thành phố đảm nhiệm vai trò chứa nước.Ngày nay, phần lớn ao, hồ từ thời Tống tại tỉnh đã bị các nhà thầu xây dựng lấp.