Đánh giá tác động môi trường khi thực hiện dự án

08:21, 08/07/2010

Theo quy định , khi các chủ đầu tư thực hiện một số dự án có liên quan đến  công trình quan trọng Quốc gia; sử dụng một phần diện tích đất  hoặc có ảnh hưởng xấu đến khu bảo tồn thiên nhiên, vườn Quốc gia, các khu di tích lịch sử- văn hoá, di sản tự nhiên, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến nguồn nước lưu vực sông, vùng ven biển, vùng có hệ sinh thái được bảo vệ;  xây dựng kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất, cụm làng nghề; dự án xây dựng khu đô thị, khu dân cư tập trung; dự án khai thác, sử dụng nước dưới đất, tài nguyên thiên nhiên quy mô lớn; dự án khác có tiềm ẩn nguy cơ lớn gây tác động xấu đến môi trường đều phải đánh giá tác động môi trường (viết tắt là ĐMT). Báo cáo ĐMT phải được lập đồng thời với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án. Đối với dự án nhỏ phải có cam kết bảo vệ môi trường (BVMT).   

 

Mặc dù đã được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) liên tục tuyên truyền phổ biến Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn dưới Luật, song nhiều chủ đầu tư vẫn chưa nhận thức hết ý nghĩa của việc lập báo cáo ĐMT. Vì vậy mới có tình trạng, nhiều chủ đầu tư khi thực hiện dự án  chỉ lo lập dự án và làm thủ tục về đất, không lo đến việc lập báo cáo ĐMT. Nhiều chủ đầu tư còn nhận thức rằng, ĐMT chỉ là một tấm Giấy chứng nhận có thể  “chạy vạy” từ 15 đến 20 ngày là xong. Trong khi đó, một báo cáo TĐMT thời gian thẩm định, phê duyệt theo quy trình mới chỉ có 20 ngày, nhưng thời gian xây dựng báo cáo ĐMT thì chủ đầu tư phải làm đến nửa năm, thậm chí cả năm mới xong (nếu chủ đầu tư chọn phải đơn vị tư vấn không có năng lực). Bởi nội dung báo cáo ĐMT liên quan đến rất nhiều vấn đề. Báo cáo phải liệt kê mô tả chi tiết các hạng mục công trình của dự án kèm theo quy mô về không gian, thời gian, khối lượng thi công, công nghệ vận hành; đánh giá chung về hiện trạng môi trường nơi thực hiện dự án và vùng kế cận; mức độ nhạy cảm và sức chịu tải của môi trường; đánh giá chi tiết các tác động môi trường có thể xảy ra khi dự án được thực hiện; các thành phần môi trường, yếu tố kinh tế- xã hội tác động; dự báo rủi ro về sự cố môi trường do công trình gây ra; các biện pháp cụ thể giảm thiểu các tác động xấu đối với môi trường; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường; danh mục công trình, chương trình quản lý, giám sát; dự toán kinh phí xây dựng các hạng mục công trình BVMT; ý kiến của nhân dân xã, phường, thị trấn, đại diện cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án…

 

Trên thực tế, các chủ dự án hầu như không tự mình lập được báo cáo ĐMT mà phải tìm đến đơn vị tư vấn. Nếu gặp được đơn vị tư vấn có đủ năng lực (về phương tiện máy móc, con người có trình độ chuyên môn cao) thì chất lượng báo cáo tốt, qua Hội đồng thẩm định (HĐTĐ) không phải chỉnh sửa lại nhiều lần. Tuy nhiên, do ham giá rẻ hoặc vì một lý do tế nhị nào đó, một số chủ đầu tư đã lựa chọn đơn vị tư vấn không đủ năng lực lập báo cáo nên phải chỉnh sửa nhiều, viết lại hoặc thẩm định lại, dẫn đến kéo dài thời gian phê duyệt báo cáo và lại “đổ lỗi” cho HĐTĐ gây phiền hà. Thực tế đã có dự án lập báo cáo ĐMT đến hơn một năm vẫn chưa xong là do lựa chọn phải đơn vị tư vấn không đủ năng lực và không trung thực. Cũng có chủ dự án đã cố tình “lách luật” để “chốn” việc lập ĐMT hoặc chậm trễ thực hiện. Nếu như các đối tượng thuộc diện phải lập ĐMT mà không thực hiện thì hậu quả sẽ khó lường. Một là ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh dự án;  hai là  thiệt hại ngay đến chủ đầu tư­ khi phải khắc phục hậu quả. Việc lập ĐMT là yêu cầu bắt buộc đối với những dự án đã quy định. Nhưng thông qua công tác thẩm định, các doanh nghiệp (DN) sẽ còn có lợi là được tư vấn:  nên làm cái gì và không nên làm cái gì (kể cả công nghệ sản xuất có phù hợp hay không) nhằm giúp DN tránh được lãng phí ngay từ khâu đầu tư.

 

Chị Trần Thị Minh Hương, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Từ năm 2008 đến tháng 6-2010, Sở đã tiếp nhận 85 hồ sơ xin thẩm định báo cáo ĐMT; đã tham mưu thẩm định được 81 dự án; bổ sung, hoàn thiện 3 hồ sơ dự án. Trong số 81 hồ sơ đã thẩm định có 2 dự án phải tổ chức thẩm định lại; 70 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt và các dự án còn lại đang được chủ đầu tư và tư vấn tiến hành chỉnh sửa. Thời gian qua, Sở đã liên tục có sự cải tiến trong quy trình thẩm định để bảo đảm về mặt thời tiến độ. Trước đây (từ năm 2006 đến tháng 2-2009), việc thành lập Hội đồng thẩm định (HĐTĐ) do UBND tỉnh quyết định trên cơ sở đề nghị của Sở TN&MT nên thời gian thẩm định thường từ 30 đến 35 ngày. Nay, Sở đã đề nghị với UBND tỉnh giao cho Giám đốc Sở TN&MT quyết định thành lập HĐTĐ, nên công tác thẩm định  rút xuống chỉ còn 20 ngày. Một số báo cáo kéo dài thời gian phê duyệt  không thuộc về Sở TN&MT mà chủ yếu ở quá trình lập báo cáo của các DN hoặc sau khi đã thẩm định nhưng chưa đạt phải chỉnh sửa, hoặc viết lại. Qua nhận xét chung thì, những báo cáo do Trung tâm Quan trắc môi trường của Sở lập luôn đạt chất lượng theo yêu cầu, đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thẩm định và phê duyệt báo cáo nhanh chóng hơn. Việc chỉnh sửa hay thẩm định không đạt chủ yếu rơi vào các dự án do các đơn vị tư vấn bên ngoài. Vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh việc tích cực cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN khi đến thẩm định báo cáo ĐMT, Sở sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các DN đối với việc thực hiện lập báo cáo ĐMT. Đi đôi sẽ hậu kiểm các DN để xử lý nghiêm túc nhằm thực hiện tốt các quy định về BVMT. Đồng thời, khuyến cáo các DN nên lựa chọn các đơn vị tư vấn lập báo cáo ĐMT có đủ năng lực để thực hiện lập báo cáo có chất lượng ngay từ ban đầu.