Ý tưởng sáng tạo để bảo vệ nguồn nước

08:33, 02/07/2010

Thông tin nhóm tác giả Đỗ Ngọc Linh, Ma Thị Thuý Trà, lớp Sinh 11, K20 của Trường THPT Chuyên Thái Nguyên vượt lên 19 nhóm tác giả khác giành giải Nhất toàn quốc trong cuộc thi “Cải thiện việc sử dụng nguồn nước và bảo vệ nguồn nước” lần thứ VII do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Công ty Canon Sigapore tại Việt Nam đồng tổ chức làm nức lòng thầy cô, bạn bè gia đình của Linh và Trà.

 

Đây là lần thứ 3, kể từ khi Ban Tổ chức cuộc thi tổ chức trong 7 năm qua, Trường THPT Chuyên Thái Nguyên có học sinh đoạt giải cao và được chọn đi tham dự giải thưởng Stockholm về nguồn nước thế giới dành cho lứa tuổi học sinh được tổ chức tại Thuỵ Điển.

 

Chúng tôi gặp nhóm tác giả trên tại nhà cô giáo chủ nhiệm Phạm Thị Thu Nga và cũng là giáo viên hướng dẫn cho 2 em khi thực hiện đề tài này. Linh và Trà kể về quá trình nghiên cứu, thực hiện Đề tài trong tiếng cười rộn ràng cả căn phòng nhỏ khiến chúng tôi cũng vui lây. Cả Linh và Trà đều cho rằng mình quá bất ngờ khi được nhận giải Nhất toàn quốc. Được biết, trong tổng số 25 bài của các nhóm tác giả của Trường THPT Chuyên gửi dự thi toàn quốc, thì có tới 8 đề tài được trao giải. Riêng lớp chuyên Sinh 11 do cô Nga làm chủ nhiệm có 4 nhóm tác giả đoạt giải (1 giải Nhất, 1 giải Ba và 2 giải Khuyến khích).

Đối với Trường THPT Chuyên Thái Nguyên kể từ khi Ban Tổ chức phát động cuộc thi này (năm 2003), năm nào Trường cũng có học sinh tham gia và đoạt giải cao. Khi cầm trên tay Đề tài dự thi của Linh và Trà, chúng tôi thật sự bất ngờ bởi ý tưởng của các em rất sáng tạo. Điểm khác biệt là 2 em không tập trung nghiên cứu các biện pháp xử lý nước thải, bảo vệ môi trường như những nhóm học sinh khác, mà đi theo hướng viết một câu chuyện khoa học vui nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Theo các em, muốn mọi người có ý thức trong việc bảo vệ nguồn nước, môi trường sống trước tiên phải chuyển đổi nhận thức để đi đến hành động đúng. Vì thế, nếu bất cứ ai đọc câu chuyện này đều hiểu, nắm được kiến thức khoa học, từ đó điều chỉnh hành vi của mình đối với nguồn tài nguyên được coi là “máu của sự sống” này.

 

Được biết, câu chuyện này là ý tưởng của Đỗ Ngọc Linh. Linh và Trà chơi thân với nhau từ hồi học lớp 9 tại Trường THCS Nha Trang T.P Thái Nguyên. Nhà Linh ở tận xã Yên Lãng (Đại Từ), còn Trà thì ở Thị trấn Chợ Chu (Định Hoá). Bố mẹ các em đều là cán bộ, công nhân viên, giáo viên. Linh ở trọ cùng chị gái để theo học ở thành phố, còn Trà thì ở nhà chú. Về thành phố, Linh và Trà đều quyết tâm thi vào trường Chuyên. Và ước mơ đó đã được 2 cô học trò học giỏi toàn diện biến thành hiện thực. Đôi bạn thân cùng nhau sánh bước vào học lớp chuyên Sinh của Trường THPT Chuyên. Trở lại Đề tài đã đạt giải, khi Linh nghĩ ra ý tưởng này đã viết một câu chuyện dựa trên hình ảnh giọt nước, rồi đưa cho Trà đọc góp ý thêm sinh động. Từ câu chuyện đó, Linh và Trà mang cho các bạn nhỏ đọc.

 

Qua khảo sát thực tế, 2 em nhận thấy hiện nay, các em nhỏ thích đọc truyện tranh hơn là đọc chữ. Vì thế, Linh và Trà quyết định chuyển hướng sang sáng tác truyện tranh. Với kiến thức vi tính khá, Trà đã nghiên cứu chương trình Paint và PowerPoint trong công cụ văn phòng của máy tính để tạo ra hình ảnh nhân vật một cách ngộ nghĩnh, sinh động, phù hợp với tính cách của các nhân vật. Truyện mang tên gọi “Cuộc phiêu lưu của bốn giọt nước”. Câu chuyện xoay quanh cuộc sống thường nhật và cuộc phiêu lưu của 4 nhân vật chính với 4 tính cách khác nhau. Thông qua cuộc sống và cuộc phiêu lưu của các nhân vật chính trong chuyện để lồng ghép vào đó các tri thức khoa học về vai trò của nước, vòng tuần hoàn của nước trong tự nhiên; cuộc sống của những giọt nước bị đe doạ do bị ô nhiễm nghiêm trọng. Rồi một nhóm học sinh nghiên cứu việc cải thiện nguồn nước bị ô nhiễm đã mở ra một tương lai tốt đẹp cho những giọt nước. Qua đó cho bạn đọc một cái nhìn toàn cảnh, khách quan, những suy nghĩ nhất định, từ đó điều chỉnh hành vi của mình.

 

Phương pháp nghiên cứu của đề tài dựa vào tài liệu, quan sát, phỏng vấn, điều tra, thực nghiệm tự nhiên. Sau khi hoàn thành, nhóm thực hiện đề tài cũng đã giới thiệu câu chuyện tới 461 độc giả, trong đó 51 học sinh mầm non, 113 học sinh tiểu học, 105 học sinh THCS, 148 học sinh THPT và 44 phụ huynh. Sau khi nghe, xem câu chuyện, nhóm tác giả đã phát phiếu đánh giá cho độc giả và kết quả thu được rất tốt.

 

Nếu như từ việc tìm hiểu tình hình đọc truyện của thanh thiếu nhi; nghiên cứu quá trình dạy học ở các cấp học, cũng như nhận thức của học sinh về nguồn nước và môi trường, Linh và Trà đã quyết định biến ý tưởng thành Đề tài khoa học chủ yếu nhằm giáo dục thay đổi nhận thức cho học sinh, thì qua khảo sát cho thấy câu chuyện phù hợp với nhiều đối tượng. Nội dung câu chuyện không phải là một bài học, nhưng người đọc, người nghe lại học được các tri thức khoa học mới và tình người, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước của cộng đồng. Đề tài này cũng vừa được trao giải Nhất giải thưởng Sáng tạo trẻ của tỉnh. Hiện nay, Linh và Trà đang chuẩn bị hành trang để mang Đề tài dự cuộc thi cấp Quốc tế tại Thuỵ Điển vào tháng 9 tới. Các em đang tập trung để nâng cao khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh để thuyết trình Đề tài trước Hội đồng giám khảo.