Cực quang ngoạn mục do sóng thần mặt trời

16:09, 05/08/2010

Cơn bão mặt trời khổng lồ đã tạo nên màn trình diễn cực quang ngoạn mục trên khắp bán cầu bắc của Trái đất trong ba ngày qua.

 

Ngày 1/8, gần như toàn bộ phần mặt trời đối diện với trái đất bùng nổ một cơn bão khí, làm bắn ra khỏi bề mặt 10 tỷ tấn plasma và hắt vào không gian với tốc độ 1 triệu dặm một giờ. Nó băng qua quãng đường dài 93 triệu dặm từ mặt trời tới trái đất chỉ trong 3,5 ngày.

 

"Đó là vụ phun trào hướng về trái đất cực lớn mà phải lâu lắm rồi người ta mới được nhìn thấy", nhà khoa học Leon Golub tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian nhận định.

 

Khi đám khí lao vào bầu khí quyển trái đất, nó gây ra hiện tượng cực quang kỳ ảo bao phủ khắp Đan Mạch, Na Uy, Greenland, Đức và miền bắc nước Mỹ và Canada. Màn trình diễn tuyệt đẹp này được tạo ra bởi các hạt tích điện trong plasma tương tác với từ trường của trái đất và bị hút về điểm cực. Tại đó chúng va chạm với nguyên tử nitơ và oxy trong bầu khí quyển, tạo nên những dải ánh sáng nhiều màu sắc lập lòe, mờ ảo.

 

Theo Telegraph, mặc dù vụ bùng nổ này không gây hại gì cho trái đất, các nhà thiên văn học NASA đã cảnh báo rằng một cơn bão mặt trời lớn hơn có thể gây hại cho hệ thống điện trên trái đất. Năm 2013, mặt trời cũng sẽ đạt tới một giai đoạn trong chu kỳ 11 năm, khi các cơn bão lớn rất dễ xảy ra.

 

Năm 1859, một cơn bão mặt trời lớn đã đốt cháy hệ thống dây điện báo trên khắp châu Âu và Mỹ. Vụ bùng nổ mang tên "Carrington" làm 2/3 bầu trời trái đất chìm trong cực quang đỏ sẫm chỉ sau một đêm, làm tê liệt toàn bộ hệ thống định vị và liên lạc toàn cầu.

 

Gần đây hơn, vào năm 1989, một cơn bão mặt trời khác khiến hệ thống điện ở Quebec, Canada, ngừng hoạt động trong 9 giờ, gây thiệt hại hàng trăm triệu USD