Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ

08:53, 25/08/2010

"Hợp tác nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ (CGCN) giữa Đại học Thái Nguyên và tỉnh Thái Nguyên", được coi là một trong 14 chương trình hành động trọng tâm của Đại học Thai Nguyên trong giai đoạn 2006-2010. Thông qua đó, Đại học Thái Nguyên từng bước xây dựng, phát triển, trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao KHCN trọng điểm, đồng thời coi đây là nhân tố quyết định cho sự thành công của việc hình thành nên một mạng lưới liên kết giữa các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu, cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực KHCN.

 

Với mục tiêu huy động nguồn lực khoa học để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Đại học Thái nguyên lần thứ III, thực hiện nhiệm vụ quan trọng của các trường đại học hiện nay là gắn NCKH với đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, góp phần giải quyết các vấn đề do thực tiễn đặt ra trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá của vùng và của đất nước, sau 4 năm (2006-2009) triển khai các nội dung chính của Chương trình "Hợp tác NCKH và (CGCN)" giữa Đại học Thái Nguyên và tỉnh Thái Nguyên đã cơ bản được thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Hầu hết các chương trình, dự án lớn nằm trong Danh mục cam kết thực hiện với tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2007-2010 đã được triển khai. Với tổng số 65 đề tài, dự án được triển khai, với tổng kinh phí thực hiện 21.214 triệu đồng, trong đó Đại học Thái Nguyên 8.499 triệu đồng, tỉnh Thái Nguyên 12.715 triệu đồng. Một số Dự án đã hoàn thành, thu lại lợi ích đáng kể về kinh tế, xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của khu vực.

 

Cũng trong thời gian vừa qua, Đại học Thái Nguyên đã có hơn 20 đề tài NCKH cấp bộ, trong đó có sự phối hợp với địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn của tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận. Qua đó góp phần làm tăng nguồn thu của hoạt động KH&CN như các sản phẩm như lúa lai giống mới; chè an toàn, rau, hoa tươi chất lượng cao. Đại học Thái Nguyên cũng đã thành lập được 2 Viện nghiên cứu là Viện khoa học sự sống và Viện nghiên cứu phát triển công nghệ cao về Kỹ thuật Công nghiệp. Các Viện này đã nhanh chóng đi vào hoạt động và bước đầu đã xây dựng được một số đề tài tiêu biểu, có sự phối kết hợp của nhiều nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, mang tính đặc thù của ĐHTN và có khả năng chuyển giao công nghệ góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thái Nguyên cũng như các tỉnh miền núi phiá Bắc và cả nước.

 

Đặc biệt, giữa Đại học Thái Nguyên và tỉnh xây dựng được mạng lưới thông tin KH&CN, qua đó tạo thuận lợi cho sự trao đổi thông tin trong hợp tác NCKH và CGCN giữa tỉnh và Đại học Thái Nguyên được thuận lợi. Riêng trong năm 2009 vừa qua, các dự án thuộc danh mục các chương trình cam kết phối hợp giữa Đại học Thái Nguyên và tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2007-2010 tiếp tục được triển khai theo lộ trình, trong đó đã có nhiều dự án xuất phát từ việc áp dụng các kết quả NCKH của các nhà khoa học của ĐHTN, như: Dự án “Chế tạo bộ điều khiển trung tâm cho trạm tuyển khoáng sản bằng thủy lực với công xuất 90 tấn/h tại mỏ than Phấn Mễ - Thái Nguyên”, với hiệu quả giảm thiểu số nhân công lao động (chỉ cần 5 người so với hệ thống cũ là 8 người), tăng công suất, chất lượng sản phẩm (có thể tuyển những quặng có thành phần tạp lên tới 70%). Đây là kết quả của đề tài NCKH cấp bộ B2007-TN-02-09. Dự án “Xây dựng mạng lưới thông tin KH&CN giữa Đại học Thái Nguyên và  tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang” đã được lãnh đạo ĐHTN và lãnh đạo Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên, Sở KH&CN Bắc Giang phê duyệt thực hiện với tổng mức kinh phí là 2.464 triệu đồng, trong đó: Kinh phí sự nghiệp KH&CN ĐHTN: 1.293 triệu đồng; Kinh phí sự nghiệp KH&CN tỉnh Thái Nguyên: 646 triệu đồng; Kinh phí sự nghiệp KH&CN tỉnh Bắc Giang: 525 triệu đồng. Nhiều đề tài KH&CN cấp bộ của ĐHTN thực hiện có sự tham gia phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của các địa phương và trải đều trên các lĩnh vực như lĩnh vực Nông - Lâm nghiệp nghiệp,  Kinh tế, Công nghiệp, Y tế và Giáo dục.