Một hoóc môn trong não khiến chúng ta dễ tin người hơn, nhưng nó không biến chúng ta thành kẻ ngốc.
Oxytocin, được gọi là “hoóc môn tình yêu”, thúc đẩy quá trình gắn kết tình cảm mẹ-con và nam-nữ. Nhiều nghiên cứu chứng minh sau khi ngửi oxytocin, con người trở nên dễ tin đồng loại hơn. Thực tế đó khiến một số người cho rằng oxytocin có thể làm lu mờ lý trí của người, khiến chúng ta dễ mắc sai lầm khi đánh giá mức độ tin cậy của người khác.
Livescience cho biết, để tìm hiểu vấn đề này, Moïra Mikolajczak, một nhà khoa học của Đại học Louvain, Bỉ và các đồng nghiệp tuyển 60 nam giới có độ tuổi trung bình 21 để thực hiện một thử nghiệm. Trước khi thử nghiệm diễn ra, mỗi tình nguyện viên nhận một lọ chất lỏng có nắp xịt. Trong lọ có oxytocin hoặc giả dược.
Nhóm nghiên cứu đưa cho họ một khoản tiền và đặt ra hai lựa chọn: giữ toàn bộ tiền hoặc tìm một đối tác trong nhóm tình nguyện viên để đầu tư. Nếu tình nguyện chia một phần hoặc toàn bộ tiền cho người khác để đầu tư, số tiền được chia sẽ tự động tăng gấp ba. Các nhà khoa học cho rằng những cá nhân dễ tin người có xu hướng đem tiền cho người khác để đầu tư.
Tình nguyện viên cũng phải tham gia một trò chơi đầu tư trên máy tính. Trong trò chơi họ phải ra quyết định về việc sẽ đầu tư bao nhiêu tiền.
Kết quả cho thấy những người nhận lọ chứa oxytocin có xu hướng cho người khác và máy tính nhiều tiền hơn so với những tình nguyện viên nhận lọ chứa giả dược. Nói cách khác thì những người ngửi oxytocin tin người hơn.
Tuy nhiên, đối với những đối tác thuộc diện “không đáng tin”, cả nhóm ngửi oxytocin và giả dược đều chia sẻ số tiền bằng nhau. Như vậy hiệu ứng “tăng lòng tin” của oxytocin đã biến mất.
Phát hiện cho thấy tác động của oxytocin phụ thuộc vào từng tình huống cụ thể. Hoóc môn này chỉ khiến chúng ta tin người hơn khi chúng ta nhìn thấy lợi ích. Ngược lại nó sẽ không phát huy tác dụng khi chúng ta nghi ngờ không đánh giá cao người khác.