Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường

09:27, 17/08/2010

Là đơn vị nằm trong danh sách gây ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng, nhờ những nỗ lực vượt bậc, đến nay Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên đã được công nhận xử lý triệt để ô nhiễm môi trường và ra khỏi danh sách cơ sở gây ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng.

 

Theo Quyết định 64 của Chính phủ, Bệnh viện phải thực hiện xử lý nước thải, rác thải y tế. Do đó, Ban Giám đốc Bệnh viện đã xây dựng kế hoạch để xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trương tại Bệnh viện. Đối với chất thải rắn, từ tháng 12/2003, Bệnh viện đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành lò đốt chất thải y tế do Viện Công nghệ Môi trường chế tạo, công suất 20kg/mẻ, sử dụng nhiên liệu là dầu diezen và điện. Từ khi có lò đốt, toàn bộ chất thải y tế phát sinh trong Bệnh viện (khoảng 50kg/ngày) được đốt tập trung. Lò đốt vận hành mỗi ngày khoảng 3 giờ. Tro sau khi đốt chất thải rắn được chôn lấp trong khuôn viên Bệnh viện. Khí thải được dập bụi bằng nước thông thường. Nước thải sau khi dập bụi được thu gom vào bể chứa và bơm tuần hoàn để tái sử dụng. Bệnh viện đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, viên chức quy trình phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải y tế theo đúng quy chế quản lý chất thải do Bộ Y tế ban hành. Các chất thải thông thường khác trong khu vực, Bệnh viện phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải thông thường đến nơi tập kết theo quy định và hợp đồng với Đội Vệ sinh môi trường phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) vận chuyển và đem đi xử lý tại Khu xử lý rác Đá Mài. Như vậy, rác thải tại Bệnh viện được xử lý triệt để, chấm dứt hoàn toàn việc chôn lấp tại khuôn viên Bệnh viện như trước đây.

 

Đối với xử lý nước thải, theo Quyết định phê duyệt dự án xây dựng công trình xử lý chất thải, Bệnh viện nhận được sự hỗ trợ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2008, Bệnh viện hoàn thành xây dựng công trình xử lý nước thải với kinh phí đầu tư trên 2 tỷ đồng, đơn vị tư vấn là Viện Công nghệ môi trường, Viện khoa học Công nghệ Việt Nam. Hệ thống xử lý nước thải Bệnh viện xây dựng trên diện tích 100m2, công suất 300m3/ngày đêm, vận hành theo công nghệ sinh học kết hợp hoá lý keo tụ bằng hoá chất và khử trùng bằng nước clo. Sau khi xử lý, nước thải được xả ra hồ chứa nằm trong khuôn viên Bệnh viện. Tại kết luận kiểm tra về bảo vệ môi trường của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ngày 9-2-2010 đã nêu: Kết quả phân tích mẫu nước thải của Bệnh viện sau hệ thống xử lý trước khi thải ra môi trường so sánh với TCVN 5945:2005 cho thấy không có thông số nào vượt tiêu chuẩn cho phép. Theo quan sát của chúng tôi, trong ao nước thải đã qua xử lý của Bệnh viện có rất nhiều cá đang sinh sống.

 

Tại biên bản kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường ngày 18-3-2010: Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên đã thực hiện nghiêm túc Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ. Để có đủ cơ sở trình lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cấp xác nhận hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường, đoàn kiểm tra yêu cầu Bệnh viện bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện hồ sơ gồm: Công nghệ áp dụng để xử lý nước thải, chất thải rắn cùng các thông số; bản đồ bệnh viện trên đó thể hiện rõ vị trí khu vực xử lý chất thải, các đường thoát nước, cửa xả nước thải ra môi trường; sổ theo dõi vận hành các công trình xử lý… Để chấp hành tốt các quy định về môi trường, Bệnh viện cần quan tâm thực hiện: Nâng cấp hệ thống thu gom và thoát nước đảm bảo tiêu thoát nước tốt nhất, tránh ứ đọng; tăng cường công tác thu dọn vệ sinh khu vực nhà chứa rác tạm thời, tránh để tồn đọng rác; lập sổ theo dõi vận hành hệ thống xử lý nước thải, lò đốt chất thải y tế; thực hiện xin cấp phép xả thải nước vào nguồn tiếp nhận… 

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Hứa Đình Trọng, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Bệnh viện luôn nhận thức đầy đủ việc bảo vệ môi trường, ngoài những biện pháp xử lý triệt để chất thải, Bệnh viện còn chú trọng xây dựng cảnh quan môi trường đảm bảo xanh, sạch, đẹp. Tuyên truyền, vận động người bệnh, người nhà bệnh nhân và đội ngũ y, bác sĩ có ý thức trong việc gìn giữ, bảo vệ môi trường. Chúng tôi đã đăng ký với Sở Y tế để tiếp tục đầu tư công trình xử lý chất thải Bệnh viện gồm: Lò đốt chất thải có công nghệ hiện đại, công suất lớn hơn, đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải của Bệnh viện 300 giường (hiện tại 150 giường); xây dựng hệ thống thu gom nước thải chuyên biệt cho Trạm xử lý nước thải của toàn Bệnh viện (hiện nay Trạm đang xử lý cả hệ thống nước mặt gây lãng phí kinh phí và hoá chất)…