Hạnh phúc của mỗi cá nhân phụ thuộc vào tính cách của người bạn đời, công việc và thời gian tập luyện thể dục.
Livescience cho biết, các nhà tâm lý thuộc Viện Phát triển con người Max Planck tại Đức thực hiện một nghiên cứu quy mô lớn để tìm hiểu những nhân tố quyết định mức độ hạnh phúc của con người. Họ theo dõi gần 150.000 người trưởng thành tại Đức từ năm 1984 tới 2008. Hàng năm đối tượng nghiên cứu được yêu cầu trả lời những câu hỏi về mức độ hài lòng với cuộc sống, những mục tiêu trong cuộc đời, số lần tập thể dục trong tuần, số lượng bạn bè và nhiều thông tin khác.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy 6 nhân tố sau tác động lớn nhất tới mức độ hạnh phúc của con người.
Bạn đời
Tính cách của người bạn đời thực sự ảnh hưởng tới mức độ hạnh phúc của con người. Chẳng hạn, một cá nhân kết hôn với người không ổn định về cảm xúc (hay xúc động hoặc nổi nóng, dễ rơi vào trạng thái lo lắng hoặc trầm cảm) thường cảm thấy kém hạnh phúc hơn so với những người khác.
Gia đình
Những người đặt gia đình lên trên công việc, sự nghiệp, danh vọng có xu hướng hạnh phúc hơn phần còn lại của xã hội. Phụ nữ cũng cảm thấy hạnh phúc hơn nếu chồng họ coi trọng gia đình hơn sự nghiệp.
Tôn giáo
Thời gian và số lần tới nhà thờ, chùa, thánh đường, đền thờ càng nhiều thì mức độ hài lòng với cuộc sống của con người càng cao.
Công việc
Con người cảm thấy mãn nguyện nhất khi họ chỉ phải làm việc trong khoảng thời gian mà họ mong ước. Nói cách khác, những người làm việc nhiều hơn hoặc ít hơn lượng thời gian mà họ trông đợi có xu hướng kém hạnh phúc hơn so với những người khác. Tuy nhiên, làm việc quá ít hoặc thất nghiệp khiến con người buồn hơn so với tình trạng làm việc quá nhiều.
Quan hệ xã hội và hoạt động thể chất
Sự tương tác xã hội và tập thể dục đều quyết định mức độ hạnh phúc. Số lượng mối quan hệ xã hội có chất lượng và thời gian tập thể dục càng nhiều thì con người càng dễ cảm thấy hạnh phúc. Những nam giới gầy và phụ nữ béo có xu hướng cảm thấy kém hạnh phúc hơn phần còn lại của xã hội.
Kết quả nghiên cứu cũng xác nhận điều mà nhiều công trình trước đây từng khẳng định: Tiền hay vật chất không mang lại hạnh phúc lâu dài.
“Những người có nhiều tiền cảm thấy hài lòng hơn với cuộc sống, nhưng nguyên nhân chủ yếu là họ có công việc thú vị và thách thức. Tiền chỉ là sản phẩm phát sinh của những công việc có ích và hấp dẫn. Nếu bạn muốn cảm thấy mãn nguyện với cuộc sống, bạn phải dành nhiều thời gian cho bạn bè và người thân”, Gert Wagner, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu.