Kết quả giám định AMS tại Nhật Bản đối với vỏ trấu khai quật được Thành Dền (Mê Linh, Hà Nội) cho thấy các mẫu vật này "thuộc thời hiện đại". Tuy nhiên, phương pháp này vẫn không đủ chắc chắn để xác định niên đại các hạt thóc.
Sáng 30/9, tại Hội nghị thông báo khảo cổ học toàn quốc, tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung đã có công bố chính thức kết quả giám định các hạt thóc nảy mầm khai quật được ở di chỉ Thành Dền vào tháng 5, 6 vừa qua. Kết quả phân tích bằng phương pháp AMS ở Viện phân tích gia tốc (IAA) tại Nhật Bản với hai đợt mẫu vỏ trấu đều cho kết quả "thuộc thời hiện đại".
Tuy nhiên, kết quả từng được chờ đợi cho kết luận chính xác về niên đại của những "hạt thóc 3.000 năm" lại bộc lộ những khiếm khuyết và khiến hàng chục nhà khoa học bối rối.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Miên, Trưởng phòng thí nghiệm và xác định niên đại Viện Khảo cổ học, về mặt phương pháp, việc xác định niên đại với các mẫu vỏ trấu qua đồng vị C14 hay AMS (bản chất đều là một bài toán, chỉ khác về máy đo) không thể cho kết luận tin cậy 100%. Dù là vỏ trấu, chúng vẫn là các mẫu vật hữu cơ còn sự trao đổi chất cho tới khi bị tách ra khỏi hạt gạo - nghĩa là từ lúc nảy mầm vào tháng 5 và tháng 6 vừa qua.
"Điều này có nghĩa là AMS sẽ cho kết quả "hiện đại" đối với bất kỳ mẫu vỏ trấu nào của các hạt thóc nảy mầm nào khai quật được", Tiến sĩ Miên nói.
Theo ông, đối với những mẫu vật còn sống như các hạt thóc nảy mầm tại Thành Dền, phương pháp AMS và đồng vị C14 chỉ cho kết quả tin cậy khi có điều kiện lý tưởng là phát hiện đồng thời hạt thóc lép (đã chết, ngừng trao đổi chất) và thóc mẩy (còn khả năng nảy mầm) trong một bình kín. Việc xác định niên đại hạt đã chết sẽ cho kết quả tương ứng về niên đại của những hạt thóc còn lại.
Ông cũng đề xuất bảo tồn nguồn gene từ các hạt đã phát triển thành cây lúa và trổ bông. Việc trồng rộng rãi những cây lúa này nếu cho ra giống lúa có một hoặc nhiều gene khác với các giống hiện đại sẽ là điều vô cùng quý giá.
Rất nhiều nhà khoa học đã tới Thành Dền để chứng thực việc khai quật các hạt thóc ở tầng văn hóa Đồng Đậu.
Giải thích của vị tiến sĩ này trùng khớp với những trao đổi của các đồng nghiệp Nhật Bản gửi cho Tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung. Theo đó, mẫu vỏ trấu "được phân tích theo nguyên tắc đối với mẫu vật hữu cơ đã chết và đây là lần đầu tiên IAA phân tích mẫu vật còn sống như thế này".
"Phương pháp này được các đồng nghiệp của tôi cho là "không thích hợp" để giám định niên đại các hạt thóc", Tiến sĩ Dung cho biết.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Miên, về lý thuyết, khả năng niên đại các hạt thóc nảy mầm khai quật ở Thành Dền bằng với tầng văn hóa Đồng Đậu (cách nay trên 3.000 năm) vẫn còn nhưng là "rất hiếm".
Ông nêu ra một kinh nghiệm thực tiễn rất đáng lưu ý về khả năng lẫn các mẫu vật hiện đại xuống các tầng đất cổ vì từng có những mũi khoan sâu tới 50 mét vẫn xuất hiện hiện tượng xáo trộn địa tầng (gian tầng). Vì thế, ngay cả niên đại các tầng đất ở Thành Dền cũng cần xem xét chắc chắn liệu có bị gian tầng hay không.
Kinh nghiệm này cũng được Phó giáo sư - Tiến sĩ Phạm Minh Huyền, nguyên cán bộ Viện Khảo cổ lưu ý bởi các tầng đất của VN (đặc biệt là vùng có độ ẩm cao như ở Thành Dền) dù bị xáo trộn cũng chỉ mất vài chục năm để liền thổ.
Trước nhiều vấn đề còn chưa được giải thích thỏa đáng về mặt khoa học, hầu hết ý kiến của các chuyên gia sáng 30/9 đều cho rằng cần có đợt khai quật mới ở Thành Dền. Việc khai quật sẽ phải làm bài bản và cẩn trọng hơn như dựng mái che, hàng rào vây bảo vệ hố khai quật, sàng lọc mẫu vật ở trong phòng thí nghiệm chứ không phải tại hiện trường... Thậm chí, việc mở ra một chuyên ngành khảo cổ riêng về cây lúa cũng được đề cập đến.
Trong khi đó, Tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung cho biết, sắp tới, bà sẽ gửi mẫu hạt thóc cháy tại các hố rác bếp để xác định niên đại. Nếu các hạt cháy này có niên đại cổ thì đó sẽ là cơ sở nghiên cứu tiếp những hạt đã nảy mầm và phát triển thành cây lúa như ở Viện Di truyền Nông nghiệp.
Ngoài ra, thóc từ những cây lúa này hiện vẫn tiếp tục được trồng lại, theo dõi trong điều kiện nghiêm ngặt hơn để so sánh về hình thái, nghiên cứu gene và ADN.
Trước đó, trong buổi tọa đàm đầu tháng 9, tiến sĩ Trần Duy Quý, Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng những hạt thóc khai quật ở Thành Dền thuộc giống Khang Dân, có mặt ở VN từ 1992. Tuy nhiên, ý kiến này cũng chưa được các chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp đồng tình.