Nam Phi tẩm độc vào sừng tê giác

08:12, 29/10/2010

Những người dùng tê giác để chữa bệnh có nguy cơ chết hoặc ốm nặng hơn, sau khi chủ một khu bảo tồn ở Nam Phi quyết định tiêm thuốc độc vào sừng những con vật này, để ngăn nạn săn trộm.

 

Sky News cho biết, đây là ý tưởng của Ed Hern, người có một khu bảo tồn sư tử và tê giác gần thủ đô Johannesburg của Nam Phi.

 

Hern cho rằng biến sừng tê giác thành chất độc đối với con người là cách duy nhất để ngăn chặn hoạt động giao dịch sừng tê giác trên thị trường chợ đen. Ông Hern cho biết: “Việc tiêm thuốc độc vào sừng sẽ gây tử vong hoặc ốm nặng cho những người tiêu dùng sừng tê giác”.

 

“Nếu ai đó ở Trung Quốc dùng sừng tê giác và mắc bệnh nặng, họ sẽ không bao giờ mua nó nữa”, Hern nhận định.

 

Nhiều người châu Á có quan niệm sai lầm rằng bột sừng tê giác có tác dụng cường dương. Do đó nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác từ khu vực này là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng săn bắt tê giác trái phép tại các khu bảo tồn thú hoang dã công cộng và tư nhân tại Nam Phi.

 

Những con tê giác trong khu bảo tồn, bao gồm cả loài tê giác đen quý hiếm, đang bị xẻ thịt với số lượng từ 2-3 cá thể mỗi tuần để lấy sừng. Mỗi chiếc sừng này có thể bán được với giá lên tới 45.000 bảng Anh (khoảng 1,36 tỷ đồng) trên thị trường chợ đen.

 

 Những băng nhóm thợ săn được trang bị rất tối tân. Chúng sử dụng máy bay trực thăng và các thiết bị dò tìm trong đêm để xác định con mồi. Một số nhà bảo tồn sửng sốt khi biết kế hoạch làm nhiễm độc sừng của đàn tê giác trắng trong khu bảo tồn của Hern, nhưng ông khẳng định thuốc độc sẽ không làm hại tê giác.

 

“Chúng tôi đang thử nghiệm bằng cách tiêm một lượng nhỏ chất độc mỗi ngày vào sừng tê giác và sẽ giám sát cẩn thận xem có phản ứng gì không. Có thể việc làm này có vẻ vô nhân đạo nhưng hình ảnh một con tê giác trắng bị cưa mất sừng mới thực sự là một hình ảnh đáng sợ”, ông nói.

 

Con tê giác trưởng thành bị giết gần đây nhất ở khu vực gần khu bảo tồn Krugersdorp vào ngày 16/6. Người ta tìm thấy con của nó trong tình trạng đói khát và hoảng sợ. Chú tê giác con, 9 tháng tuổi và có tên Vuma, đang được nuôi trong khu bảo tồn của Hern cùng với hai con non khác cũng mất mẹ vì những thợ săn trái phép.

 

Những con tê giác non thoát chết do sừng của chúng còn quá nhỏ nên thợ săn không quan tâm. Sau khi công viên Kruger tăng cường an ninh sau nhiều vụ săn bắt trộm tê giác, các băng nhóm tội phạm ngày càng hướng sự quan tâm của chúng tới các khu bảo tồn thú hoang dã quy mô nhỏ.

 

Từ đầu năm đến nay 152 con vật đã bị giết hại trái phép. Con số này lớn gấp nhiều lần so với những năm trước. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng chất sừng (keratin) trong sừng tê giác không có giá trị chữa bệnh. Móng và tóc con người cũng được tạo nên bởi keratin.