Tảo độc thảm sát các rạng san hô

08:41, 11/10/2010

Sự phát triển mạnh mẽ của các loài tảo độc khiến san hô trong một vịnh chết hàng loạt.

  

San hô đang bị đe dọa bởi hiện tượng ấm lên toàn cầu, sự phát triển đô thị dọc các bờ biển, hoạt động khai thác thủy sản quá mức và ô nhiễm môi trường nước. Nhưng trong một bài viết trên tạp chí Marine Pollution Bulletin, các nhà khoa học của Liên Hợp Quốc khẳng định tảo cũng là một hiểm họa đáng sợ đối với san hô.

 

BBC cho biết, Viện Nước, Môi trường và Sức khỏe thuộc Đại học Liên Hợp Quốc tìm hiểu môi trường sống của san hô trong vịnh Oman, một nhánh của biển Ảrập. Trong lần nghiên cứu đầu tiên họ nhìn thấy tảo bao phủ một vùng có diện tích hơn 500 km2.

 

Ba tuần sau đó, họ quay lại và phát hiện 95% rạn san hô trong vùng nước có tảo đã chết.

 

Sự hiện diện của tảo ở mặt nước khiến lượng ánh sáng mặt trời và oxy dành cho các loài sinh vật khác, trong đó có tảo, giảm mạnh.

 

Cái chết đột ngột của san hô gây nên hậu quả nặng nề cho các loài động vật biển sống nhờ san hô. Nhóm nghiên cứu nhận thấy số lượng cá thể của mọi loài động vật biển đều giảm từ 70% tới 83% khi họ khảo sát tại một vùng nước gần bán đảo Oman.

 

Kết quả phân tích cho thấy tất cả san hô cứng đều chết bởi một loài tảo có tên Cochlodinium polykrikoides. Các chuyên gia đang tìm hiểu mức độ nguy hiểm của các loài tảo khác.

 

“Chúng tôi ngạc nhiên trước quy mô và tốc độ hủy diệt san hô của tảo”, nhà sinh thái hải dương Andrew Bauman, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, phát biểu.

 

Hoạt động của con người là nguyên nhân khiến tảo phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Chúng bùng nổ nhờ nước chứa phân bón hóa học và các loại chất thải giàu nitơ mà những dòng sông mang ra biển.

 

Nhiều loài tảo độc có thể gây tác hại to lớn đối với hệ sinh thái. Chúng mắc vào mang cá khiến cá chết, làm giảm chất lượng nước, cướp khí oxy của các loài sinh vật biển.