Góp phần thay đổi tư duy trong sản xuất công nghiệp sạch

16:48, 26/11/2010

Ô nhiễm môi trường từ sản xuất công nghiệp do công nghệ sản xuất lạc hậu, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm… dẫn tới hiệu quả kinh tế chưa cao, môi trường bị tàn phá - đó là thực tế của các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những năm qua. Từ thực tế đó, việc triển khai thực hiện sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp là một giải pháp cần thiết, phù hợp và kịp thời.

Các doanh nghiệp thực hiện mô hình trình diễn SXSH được giúp sức về vốn, khoa học kỹ thuật, kiến thức sản xuất thân thiện với môi trường. Đây là 1 trong 5 hợp phần của Chương trình hợp tác phát triển trong ngành môi trường giữa Việt Nam và Chính phủ Đan Mạch (Hợp phần CPI) giai đoạn 2005-2010 với việc triển khai mô hình trình diễn về SXSH trong công nghiệp. Hầu hết đại diện các doanh nghiệp thực hiện mô hình trình diễn này đều khẳng định: Tư duy trong bộ máy lãnh đạo, người lao động về một nền công nghiệp SXSH đã có nhiều thay đổi.

 

Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã đến Nhà máy Xi măng Lưu Xá (Chi nhánh Công ty Cổ phần Đầu tư và sản xuất công nghiệp) - đơn vị được chọn là 1 trong 6 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện mô hình trình diễn về SXSH. Nhà máy được xây dựng từ năm 1995 với dây chuyền sản xuất xi măng bằng công nghệ lò đứng. Nhà máy đã áp dụng có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2000, tuy nhiên, trong quá trình sản xuất vẫn còn một số tồn tại đó là: Tiêu hao nguyên liệu trong công đoạn sấy nguyên liệu còn cao; việc tái sử dụng bụi, bùn thải khó khăn, gây ảnh hưởng và ô nhiễm môi trường xung quanh… Để khắc phục, Nhà máy đã nhiều lần đầu tư cải tạo hệ thống xử lý bụi nhưng chưa đạt hiệu quả. Thực hiện Dự án trình diễn về SXSH, Nhà máy đã lựa chọn phương án đầu tư: Cải tạo, nâng cao hiệu suất công đoạn sấy nguyên liệu với tổng mức đầu tư trên 1,5 tỷ đồng, trong đó Hợp phần CPI hỗ trợ trên 600 triệu đồng. Dự án được triển khai với một hệ thống tự động điều chỉnh nhiệt độ, lưu lượng khí nóng cung cấp cho máy sấy thùng quay trên cơ sở từ các tín hiệu nhiệt độ, áp suất, công suất tức thời, điều chỉnh tần số quạt đẩy lò đốt phản xạ, qua đó điều chỉnh lưu lượng và nhiệt độ khí. Cải tạo máy sấy nhằm tăng tối đa khả năng trao đổi nhiệt giữa tác nhân sấy và nguyên liệu sấy, bảo ôn toàn bộ vỏ máy, các đường ống dẫn khí, tránh thất thoát nhiệt của máy và giảm tác động đến môi trường làm việc của người lao động. Đầu tư một hệ thống lọc bụi khói lò sử dụng công nghệ lọc bụi túi vải hoạt động ở nhiệt độ 85-150 độ C (tức là trên nhiệt độ tạo sương của hơi nước lẫn trong khói thải).

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Khắc Đức, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp của Nhà máy cho biết: Thực hiện Dự án, Nhà máy đã đề xuất 19 giải pháp, trong đó có 5 giải pháp kiểm soát quy trình, 8 giải pháp công trình thiết bị, 1 giải pháp tái sử dụng… Sau khi thực hiện mô hình SXSH đã góp phần làm lợi về mặt kinh tế cho Nhà máy trên 53 triệu đồng/năm; về sản xuất: giảm tiêu thụ tài nguyên, lượng phụ gia pha vào khi nghiền xi măng tăng thêm 1%; về môi trường: giảm phát thải 178,5 tấn bụi/năm, giảm phát thải 1.509 tấn khí CO2/năm, giảm tiêu hao 65 nghìn m3 nước tuần hoàn/năm, giảm phát thải và tái sử dụng chất thải rắn (đất, than…) 825 tấn/năm.

 

Doanh nghiệp thứ 2 mà chúng tôi có dịp tìm hiểu về việc thực hiện mô hình SXSH đó là Công ty Cổ phần Vật liệu chịu lửa Thái Nguyên. Công ty đã được Hợp phần CPI tư vấn về SXSH trong công nghiệp, chuyên gia của CPI đã đánh giá và cùng với doanh nghiệp đưa ra được 20 giải pháp sát với tiêu chí của CPI. Công ty cũng đã được hỗ trợ 3 giải pháp về mặt tài chính đó là: Dự án trình diễn “lắp đặt hệ thống hút và lọc thu hồi bụi ở các khu vực có hàm lượng bụi lớn; tận dụng nhiệt thừa 2 lò nung chạy dầu cho hầm sấy bán thành phẩm, nhiệt thừa lò nung khí hóa than cho hầm sấy. Tổng giá trị đầu tư trên 3,8 tỷ đồng, Hợp phần CPI hỗ trợ trên 1,9 tỷ đồng… Dự án được thực hiện từ tháng 11-2009, đến nay đang trong giai đoạn hoàn thành.

 

Theo đánh giá của đồng chí Đinh Khắc Hiển, Giám đốc Sở Công Thương, Ủy viên Ban chỉ đạo Hợp phần SXSH trong công nghiệp tại Thái Nguyên thì thực hiện SXSH trong công nghiệp là một hoạt động mới được áp dụng nhưng kết quả của 4 trong 6 doanh nghiệp đã thực hiện xong mô hình trình diễn góp phần khẳng định tính hiệu quả của sự phát triển bền vững, đó là sự gắn kết giữa lợi ích kinh tế với lợi ích xã hội và môi trường. Đặc biệt là nhận thức và sự thống nhất hành động của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn nhằm sử dụng hợp lý hơn về năng lượng, tài nguyên thiên nhiên trong sản xuất, giảm phát thải các thành phần gây ô nhiễm môi trường, cải thiệu điều kiện làm việc của người lao động… Cùng với các doanh nghiệp đã và đang thực hiện mô hình trình diễn SXSH còn có hàng trăm doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng áp dụng SXSH với các giải pháp đơn giản, ít kinh phí và có hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội. Trong giai đoạn tiếp theo, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với CPI quản lý các dự án trình diễn SXSH đang thực hiện và dự án đã hoàn thành; đăng ký thực hiện “Chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020” thuộc các đề án thành phần do Bộ Công Thương trủ trì, gồm: Nâng cao năng lực và nhận thức áp dụng SXSH trong công nghiệp; tổ chức cho các doanh nghiệp tham quan các dự án trình diễn SXSH; tổ chức các hoạt động truyền thông về lợi ích của SXSH đối với cơ sở sản xuất, phương pháp luận về thực hiện SXSH; xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu, trang thông tin điện tử về SXSH trong công nghiệp…