Nói về mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại ở Phú Lương, nhiều người biết đến gia đình chị Nguyễn Thị Nga, xóm Cây Châm, xã Động Đạt. Từ chăn nuôi, trừ chi phí mỗi năm gia đình chị thu về gần 200 triệu đồng. Mới đây, chị quyết định phát triển thêm nghề trồng nấm. Chị Nga hiện là chủ trang trại lớn nhất của huyện Phú Lương, tạo việc làm với mức nhu nhập ổn định cho gần 50 lao động trên địa bàn.
Dẫn chúng tôi đi thăm xưởng trồng nấm, chị Nga cho biết: Mỗi ngày làm việc của tôi thường bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 8 giờ tối. Lúc ở xưởng nấm, lúc ở khu chăn nuôi. Thời điểm nào nghe thấy xuất hiện dịch bệnh tai xanh là thời điểm đó mất ăn, mất ngủ, mặc dù tôi thực hiện rất cẩn thận quy trình kỹ thuật, tiêm phòng cho đàn lợn. Ngay với cây nấm cũng vậy, những lúc thời tiết không thuận lợi, nhiều hôm phải trắng đêm để chờ nấm “nở”.
Trước đây, kinh tế gia đình chị Nga cũng bình thường như bao hộ dân làm nông nghiệp khác. Làm gì để có đời sống khá hơn luôn là mong mỏi của chị. Với lợi thế diện tích đất rộng rãi, mấy anh em lại ở gần nhau, sau khi đi tìn hiểu cách thức làm ăn của một số hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện, chị về bàn với chồng và anh, em trong nhà cùng góp vốn để xây dựng trang trại nuôi lợn siêu nạc. Được mọi người đồng tình, ủng hộ, chị đã lập dự án vay Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT gần 500 triệu để đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại, mua con giống. Chị liên hệ với đại lý cám để cung cấp đến tận nơi. Lúc đầu chị nuôi với quy mô gần 100 con/lứa, sau tăng dần lên. 2 năm gần đây, mỗi lứa lợn chị nuôi 350 con. Trung bình cứ 3 tháng 10 ngày xuất chuồng 1 lứa. Lợn của gia đình chị được nuôi theo đúng quy trình, chăm sóc, tiêm phòng cẩn thận nên qua các đợt dịch lớn hầu như không bị ảnh hưởng. Từ nuôi lợn, mỗi năm gia đình chị thu lãi gần 200 triệu đồng.
Qua tìm hiểu, chị thấy việc trồng nấm dược liệu, nấm ăn mang lại hiệu quả cao, ít rủi ro, thị trường ổn định nên đầu năm 2010, chị về Viện Di truyền để học cách trồng nấm linh chi, mộc nhĩ, nấm sò. Sau khoá học, chị mời một số chuyên gia của Viện lên tư vấn cách xây dựng xưởng trồng nấm. Gia đình chị Nga đã quyết định đầu tư gần 3 tỷ đồng vào xây dựng 10.000 m2 nhà xưởng trồng nấm, với đầy đủ các phòng trộn nguyên liệu, cấy giống, đóng gói… Gần đây, thông qua chương trình đào tạo nghề cho nông dân, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức 1 lớp dạy nghề cho các nhân công xưởng nấm của chị về cách làm các loại nấm. Hiện chị Nga đang trồng trên 22 vạn bịch nấm cách loại, nhiều nhất là nấm mộc nhĩ 10 vạn bịch, linh chi 7 vạn bịch và nấm sò 5 vạn bịch. Hôm chúng tôi đến thăm xưởng, nấm linh chi đã “nở” đều, to hơn miệng chén. Theo chị Nga thì chỉ còn 15 ngày nữa là lứa nấm linh chi đầu tiên được xuất bán. Theo ước tính của chị sau khi sấy, có thể được gần 1 tấn nấm thành phẩm, nhân với giá thị trường hiện nay giao động từ 450 đến 500 nghìn/kg, thu về khoảng gần 500 triệu đồng. Chưa kể lứa nấm sò, nấm mọc nhĩ cũng sắp tới kỳ thu hoạch.
Khi đến thăm mô hình trồng nấm nhà chị Nga, chúng tôi tình cờ gặp ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đang đi khảo sát các mô hình kinh tế trang trại ở Thái Nguyên. Sau khi khảo sát, ông Lượng khẳng định: “Xưởng trồng nấm của chị Nga là mô hình tiêu biểu trong cả nước về ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần giải quyết việc làm cho nhân dân địa phương. Đây có thể coi là mô hình điểm để Trung ương Hội chỉ đạo nhân rộng trong thời gian tới”. Nhờ năng động trong cách nghĩ, mạnh dạn trong cách làm, gia đình chị Nga không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn tạo việc làm cho gần 50 lao động ở địa phương với mức lương bình quân gần 2 triệu đồng/người/tháng.