Trước thực trạng ô nhiễm môi trường, chất dinh dưỡng trong đất ngày một cạn kiệt do người dân sử dụng không cân đối các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trên cây chè và rau màu, sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (Sở Khoa học & Công nghệ) đã phối hợp với Công ty TNHH Hoàng Phương I triển khai Dự án “Sử dụng phân hữu cơ sinh học Sao Xanh trồng chè và rau màu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”.
Dự án trên đã chọn 2 xã là Hùng Sơn và La Bằng (Đại Từ) để triển khai thử nghiệm. Sau 9 tháng triển khai cho thấy, sau khi sử dụng phân bón Sao Xanh đã nâng cao chất lượng nông sản, góp phần cải thiện môi trường nông nghiệp sinh thái bền vững, bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng.
Phân bón hữu cơ sinh học Sao Xanh sản xuất áp dụng công nghệ lên men vi sinh của Nhật Bản. Nguyên liệu để sản xuất phân bón là các chất hữu cơ trong tự nhiên như: thủy, hải sản, quặng mỏ thiên nhiên. Phân bón Sao Xanh có tính năng ưu việt so với các loại phân hóa học và phân sinh học ở chỗ không sử dụng chất hóa học, thân thiện với môi trường, cải tạo đất canh tác, giảm thiểu sâu bệnh, tăng năng suất và chất lượng cây trồng, đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT chứng nhận tại Quyết định số 2752/QĐ-BNN-TT ngày 5-11-2007. Như đã nói ở trên, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ tỉnh đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT tỉnh chọn xã La Bằng - nơi tập trung các hộ trồng chè và xã Hùng Sơn nơi bà con thâm canh nhiều rau màu để triển khai khảo nghiệm.
Mô hình này được triển khai từ tháng 3-2010. Tham gia mô hình thử nghiệm này, mỗi hộ nông dân được Trung tâm hỗ trợ 40% giá mua sản phẩm phân bón Sao Xanh; Phòng Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ thêm 20% so với giá gốc 4.800 đồng/kg. Như vậy, người nông dân chỉ phải trả khoảng 2.000 đồng/kg phân bón Sao Xanh. Các hộ dân tham gia Dự án còn được tập huấn quy trình kỹ thuật bón phân cho cây chè và cây rau màu. Đối với xã La Bằng chọn 36 hộ với diện tích trên 10 ha chè tại 2 xóm Đồng Đình và Tiến Thành. Công ty TNHH Hoàng Phương I đã cung cấp 54 tấn phân bón hữu có sinh học Sao Xanh cho 36 hộ nông dân bón chè. Qua 9 tháng theo dõi cho thấy, bón phân Sao Xanh theo đúng quy trình kỹ thuật, cây chè sinh trưởng phát triển tốt, bền, năng suất cao và chất lượng chè cũng khá hơn. Giá bán sản phẩm cao hơn từ 5-7 nghìn đồng/kg.
Tại 2 xóm Đồng Cả và Xuân Đài, xã Hùng Sơn có 57 hộ tham gia mô hình trồng rau sử dụng phân bón Sao Xanh. Theo đánh giá của các hộ thực hiện Dự án, nhờ bón phân Sao Xanh đã giúp tăng hàm lượng mùn trong đất, làm đất tơi xốp, thông thoáng và khả năng giữ nước cao hơn. Ngoài ra, khi sử dụng loại phân này giúp cung cấp cho đất một hệ vi sinh vật có ích và môi trường đất luôn sạch sẽ. Các động vật trong đất như giun phát triển mạnh, giúp đất được cải tạo nhanh, bền vững. Khi bón phân này, mật độ bọ tơ, rầy nâu, nhện đỏ trên cây chè cũng thấp hơn so với một số loại phân bón khác. Nếu sử dụng đúng quy trình bón chè (8 lần bón phân vào các tháng 3,5,7,9 trong năm), lượng phân bón 40 kg/sào chè, thì năng suất tăng 14%. Đối với trồng rau xanh khi sử dụng phân bón này, cây phát triển nhanh, lá óng mượt, sản phẩm đẹp, hấp dẫn người tiêu dùng. Nhờ đó, giúp người nông dân trồng rau thu lợi nhuận cao và có thể tăng vụ.
Thông qua việc thực hiện Dự án “Sử dụng phân bón hữu cơ sinh học Sao Xanh trồng chè và rau” đã mang lại hiệu quả xã hội rất lớn đối với người nông dân. Các hộ có điều kiện lựa chọn các loại phân bón hữu cơ sinh học, góp phần cải tạo đất và các sản phẩm thực phẩm (chè và rau xanh) an toàn cho người sản xuất và tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu cấp thiết về vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay. Đã có gần 100 hộ tăng thêm thu nhập từ việc áp dụng quy trình sản xuất tạo ra sản phẩm an toàn theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững. Qua đo, cũng góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực chỉ đạo sản xuất cho một bộ phận nông dân và cán bộ cơ sở. Từ kết quả này làm cơ sở khoa học cho việc khuyến cáo, lựa chọn các loại phân hữu cơ thích hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch đối với các tổ chức, hộ nông dân, đặc biệt là vùng chè đặc sản và vùng trồng rau tập trung của tỉnh trong thời gian tới.