Nhằm giúp các hộ dân chủ động nguồn nước tưới trong sản xuất chè, nhất là làm chè Đông, huyện Đại Từ đã triển khai Dự án “Ứng dụng KHCN xây dựng mô hình tưới chè bằng van xoay”. Đây là phương pháp sử dụng công nghệ, kỹ thuật tưới nước tiết kiệm đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới và đã khẳng định hiệu quả cao.
Ưu việt nổi bật của công nghệ tưới tiết kiệm nước là tốn ít nước, quản lý vận hành đơn giản, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm công tưới, thuận tiện cho việc cơ giới hóa và tự động hóa...
Dự án được triển khai tại 3 xóm: Lũng, Đại Hà (xã Phú Lạc) và xóm Tiên Trường (xã Tiên Hội) với 11 hộ dân tham gia, quy mô rộng 10 ha. Đây là những xóm có diện tích chè tập trung, các đồi chè có độ cao dưới 20 m, thuận lợi về nguồn nước tưới, trình độ thâm canh của người dân cao, mạnh dạn ứng dụng KHKT vào sản xuất, đặc biệt là có nguồn lao động và khả năng tài chính để có thể tham gia đối ứng. Tổng kinh phí thực hiện Dự án trên 880 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ hơn 210 triệu đồng, nhân dân đối ứng gần 670 triệu đồng. Thời gian thực hiện từ tháng 2-2010 đến tháng 2-2011.
Tham gia Dự án, các hộ dân còn được tham quan, học tập kinh nghiệm tại tỉnh Phú Thọ; tập huấn về công nghệ mới, quy trình vận hành và các kỹ thuật cơ bản khi vận hành hệ thống tưới, cách bảo dưỡng và sửa chữa các hư hỏng thông thường. Việc đào đắp, lắp đặt hệ thống tưới, có sự giám sát chặt chẽ của cán bộ kỹ thuật. Là người trực tiếp tham gia Dự án, anh Nguyễn Thành Nam, cán bộ Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Một hệ thống tưới tiết kiệm nước thường có 4 bộ phận chính gồm: Công trình đầu mối (máy bơm dùng hút nước); các thiết bị xử lý và điều khiển; đường ống áp lực và thiết bị tưới (thiết bị tạo giọt, thiết bị phun sương...). Nguyên lý cơ bản của kỹ thuật tưới tiết kiệm nước là đưa lượng nước rất hạn chế tập trung vào vùng rễ cây thông qua những thiết bị tinh vi được đặt trên hoặc dưới mặt đất như các lỗ, vòi phun hoặc thiết bị tạo giọt.
Ông Nguyễn Minh Nghĩa, xóm Tiên Trường là hộ được lựa chọn tham gia Dự án, cho biết: Gia đình tôi có gần 1 ha chè cành. Trước nay, gia đình tôi vẫn tưới chè bằng phương pháp thủ công, sử dụng máy bơm phun trực tiếp lên các nương chè, rất tốn nước mà hiệu quả đem lại không cao. Từ khi tham gia Dự án, tôi thấy phương pháp tưới tiết kiệm nước có hiệu quả rõ rệt. So sánh với phương pháp truyền thống thì phương pháp tưới tiết kiệm nước chỉ sử dụng lượng nước bằng 1/3, thời gian tưới giảm 2/3, đảm bảo độ ẩm tương đương nhau, công lao động phải sử dụng rất ít... Đặc biệt, khi sử dụng phương pháp này, tôi có thể kết hợp nhiều biện pháp chăm sóc thông qua hệ thống tưới như: phun thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ, vận chuyển và tưới phân vi sinh dạng lỏng; chủ động và nâng cao hiệu quả bón phân, phân bón được hòa tan, ngấm ngay xuống đất, tăng khả năng hấp thụ cho cây trồng...
Qua ứng dụng vào thực tiễn, Dự án được bà con đồng tình ủng hộ, nhiều hộ trồng chè ở các xã như Phú Xuyên, La Bằng, Phú Thịnh... đã chủ động ứng dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước trong sản xuất. Đồng chí Lê Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Đại Từ khẳng định: Những ưu điểm của kỹ thuật tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế vườn đồi, kinh tế trang trại, làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, đưa KHKT đến với đời sống người dân địa phương...