Hiệu quả bước đầu từ dự án “4 nhà”

11:09, 29/12/2010

“Vụ đông sang năm dù không vận động thì cả cánh đồng này chúng tôi cũng trồng khoai tây nguồn giống mà Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm cung cấp hết. Năm nay, lúc đầu gia đình tôi đăng ký ít quá, có 2 sào khoai tây theo dự án, để đến bây giờ nhìn nó phát triển tốt như thế này lại thấy tiếc. Biết thế trồng 5-7 sào cho thoả”.

 

Đó là những lời lẽ mộc mạc của bác Hà Thị Cốm, xóm Đông Nghè, xã Kim Phượng (Định Hoá). Xã Kim Phượng và xã Hùng Sơn (Đại Từ) là 2 địa phương được triển khai trồng khoai tây Hà Lan giống Sinora theo Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cây khoai tây theo hướng hàng hoá” mà cơ quan chủ quản là Sở Khoa học & Công nghệ, cơ quan chủ trì là Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm.

 

Không phải đến bây giờ bà con 2 xã Kim Phượng và Hùng Sơn mới biết đến cây khoai tây, mà cây trồng này đã có ở đây từ 3-4 năm. Tuy nhiên, phần lớn do bà con tự đi mua giống khoai tây Trung Quốc ngoài chợ về trồng trong vụ đông, nhưng diện tích rất nhỏ. Theo chị Trần Thị Thắng, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Kim Phượng: “Ngoài trồng khoai tây, vụ đông bà con còn trồng ngô, rau màu, nhưng hiệu quả kinh tế không được cao. Khi Dự án triển khai vào địa phương, nhiều hộ băn khoăn vì không biết cây trồng này hiệu quả như thế nào. Nhưng dưới sự hướng dẫn tận tình của cán bộ kỹ thuật của Viện theo phương thức cầm tay chỉ việc, các hộ tham gia Dự án đã trồng, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật. Đến giờ khoai tây đã trồng được 45 ngày tuổi, bắt đầu cho củ.

 

Nhìn đối chứng 2 ruộng một trồng giống khoai tây Trung Quốc, một trồng giống của Viện cung cấp khác hẳn nhau. Khoai tây Trung Quốc cây nhỏ, phát triển chậm, cùng cách chăm sóc như vậy nhưng giống do Viện cung cấp cây phát triển rất tốt, thân cứng cáp, lá xanh mướt. Đặc biệt, giống khoai này lại nở hoa, trông rất đẹp mắt”. Được biết riêng xã Kim Phượng có trên 70 hộ tham gia Dự án trồng 10 ha khoai tây. Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Nguyễn Tiến Hợi, Chủ tịch UBND xã cho rằng: “Cả xã có 200 ha, trong đó có 180 ha cấy 2 vụ lúa. Những năm trước vụ đông phần lớn bà con bỏ không diện tích, số trồng ngô, rau màu không đáng kể khoảng 5-7ha. Qua thực tế trồng cây khoai tây này, dù chưa cho thu hoạch nhưng nhìn khả năng sinh trưởng và tốc độ phát triển, nếu theo đúng tính toán của Viện thì sang năm tới mặc dù không được hỗ trợ về giống, phân bón, xã cũng đề nghị Viện tiếp tục cung ứng giống để nhân rộng diện tích cây trồng này”.

 

Đối với xã Hùng Sơn, sau khi triển khai dự án, bà con đăng ký rất đông. Nhưng do quy mô có hạn nên chỉ có 225 hộ của 16 đội sản xuất tham gia trồng với diện tích 7 ha. Theo đồng chí Trần Duy Khang, Bí thư Đảng uỷ xã: “Ngoài hỗ trợ của tỉnh 60% giá giống, 40% phân bón, các hộ nghèo tham gia dự án, xã trích ngân sách hỗ trợ 40% giá giống còn lại. Như vậy là hộ nghèo được hỗ trợ 100% giá giống. Và trong 225 hộ tham gia trồng khoai tây có tới 215 hộ thuộc diện hộ nghèo. Với sự hỗ trợ của địa phương là giải pháp “kích cầu” để các hộ nghèo vươn lên trong phát triển kinh tế, xoá nghèo nhanh chóng”.

 

Trong chuyến kiểm tra thực hiện Dự án này, đồng chí Thân Đức Cường, Trưởng phòng Quản lý khoa học của Sở Khoa học & Công nghệ rất tâm đắc: “Tỉnh đã ký kết chương trình hợp tác với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, mà Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm là đơn vị trực thuộc để nhằm chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho tỉnh. Ngoài cây khoai tây, Viện đang thực hiện dự án chuyển giao cây bí xanh tại thị xã Sông Công. Sau khi thẩm định, Sở cấp kinh phí để Viện thực hiện. Đây là dự án có “4 nhà” là "Nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nông và nhà doanh nghiệp tham gia. Ưu điểm của Viện là có nhiều giống cây trồng mới được nghiên cứu, lai tạo phù hợp với đồng đất Việt Nam và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua thực hiện các chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật này giúp bà con nâng cao trình độ canh tác, đưa các giống mới vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích”.

 

Là cơ quan triển khai Dự án, Chủ nhiệm đề tài T.S Trương Công Tuyện rất vui khi cây trồng đưa về địa phương được chính quyền, nhân dân ủng hộ nhiệt tình. Theo tính toán của chủ đề tài này thì 1 ha khoai tây giống  Simora nếu chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật thu hoạch được 18-25 tấn, lãi thuần đạt 35-40 triệu đồng/ha. Sau khi kiểm tra đồng ruộng, T.S Tuyện khẳng định: “Cây khoai tây phát triển độ đồng đều cao. Bà con nông dân rất phấn khởi và tin cậy vào một vụ bội thu. Khi thực hiện dự án này, Viện đã ký thoả thuận với Công ty Pepsico thu mua toàn bộ số sản phẩm đạt chất lượng của bà con để chế biến. Như vậy, bà con không phải lo lắng về đầu ra của sản phẩm. Tuy nhiên, để cây trồng này tiếp tục phát triển, trở thành cây mũi nhọn trong vụ đông, các xã cần đưa vào khu đồng ruộng tập trung hơn để tiện cho việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Việc thu mua cũng thuận lợi hơn. Chứ nếu làm nhỏ lẻ như hiện nay rất khó quản lý”.

 

Với cây trồng không mới, nhưng nhờ sự hợp tác chặt chẽ của “4 nhà” hiệu quả kinh tế - xã hội sẽ bền vững. Đây là mô hình cần nhân ra diện rộng, góp phần thay đổi tập quán canh tác của bà con và tận dụng tối đa tài nguyên đất đai để làm giàu chính đáng.