Liên kết “4 nhà” vì cộng đồng phát triển

10:27, 23/12/2010

Nhìn những cánh đồng khoai tây xanh mướt, cây mập mạp trên cánh đồng các xã Kim Phượng (Định Hóa), Hùng Sơn (Đại Từ) và Đắc Sơn (Phổ Yên) không riêng những hộ nông dân, mà các cán bộ kỹ thuật của Viện Cây lương thực và cây thực phẩm (đơn vị chuyển giao kỹ thuật), Phòng Quản lý khoa học của Sở Khoa học & Công nghệ  đều bày tỏ sự vui mừng và tin tưởng vào một mùa bội thu.

Đây là năm thứ 2, thông qua Sở Khoa học & Công nghệ (đơn vị quản lý Nhà nước về khoa học & công nghệ của tỉnh), Viện Cây lương thực và cây thực phẩm đưa cây khoai tây Hà Lan giống Sinora vào đồng đất Thái Nguyên.

 

Cầm trên tay cây khoai tây hơn 40 ngày tuổi của các hộ dân xóm Đông Nghè, xã Kim Phượng, T.S Trương Công Tuyện, Viện Cây lương thực và cây thực phẩm khẳng định: Với tốc độ sinh trưởng và được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật mà Viện chuyển giao thì 1 ha khoai tây có thể thu hoạch từ 18-25 tấn củ, lãi thuần đạt từ 35-40 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Cây khoai tây sau khi thu hoạch phần thân có thể ủ làm phân, tạo cho đất tơi xốp, góp phần tăng năng suất lúa vụ xuân. Được biết, năm 2009, Dự án triển khai ở 2 xã là Hùng Sơn và Kim Phượng thì vụ đông năm nay có thêm xã Đắc Sơn được tham gia với diện tích 10ha. Như vậy, toàn tỉnh có hơn 200 hộ tham gia trồng 30 ha khoai tây theo Dự án.

 

Trao đổi cùng chúng tôi, chị Trần Thị Thắng, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Kim Phượng cho biết: Năm 2009, xã Kim Phượng được triển khai trồng 10ha khoai tây. Các hộ tham gia Dự án được hỗ trợ 60% giá giống và 40% vật tư phân bón. Đến khi thu hoạch, thông qua Viện, Công ty Pepsico bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên bà con rất vui mừng vì đã có đầu ra ổn định. Năm nay, rất nhiều hộ đăng ký tham gia, nhưng vì quy mô của Dự án nên cũng chỉ có 70 hộ được tham gia với diện tích trồng là 10 ha. Cũng Dự án này mà bà con nông dân của xã thay đổi hẳn nhận thức. Những năm trước vụ đông bà con chủ yếu bỏ không diện tích đất, nhưng 2 năm nay số cây vụ đông đã tăng lên gần 50 ha, trong đó chủ yếu là cây ngô, khoai tây, khoai lang và rau màu khác. Có thể khẳng định Dự án đưa cây khoai tây vào trồng của Viện Cây lương thực và cây thực phẩm mang lại hiệu quả rất thiết thực.

 

Không chỉ có cây khoai tây Hà Lan, 2 năm gần đây, đã có rất nhiều dự án có sự tham gia của “4 nhà” được lựa chọn triển khai trên địa bàn tỉnh. Điển hình là Dự án “Xây dựng mô hình quản lý chất lượng nội bộ hướng tới tiêu chuẩn Viet-gap nhằm sản xuất ra sản phẩm chè an toàn góp phần nâng cao chất lượng chè đặc sản tỉnh Thái Nguyên”. Cơ quan chủ quản Dự án là Bộ Khoa học & Công nghệ; tổ chức thực hiện là Công ty TNHH nhập khẩu tổng hợp Bắc Sông Cầu; cơ quan chuyển giao là Trường Đại học Nông Lâm. Dự án triển khai trong 36 tháng, từ tháng 4/2009 đến tháng 12/2012. Đến nay, đơn vị tổ chức thực hiện Dự án đã tiến hành tập huấn cho hơn 90 lượt nông dân và từng bước hình thành nhóm nông dân tham gia tích cực sản xuất chè an toàn tại thôn Yên Từ, xã Yên Lãng (Đại Từ). Đồng thời đã triển khai trồng 4 ha chè giống mới là Kim Tuyên và Phúc Vân Tiên.

 

Tiếp đến là Dự án “ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất và chế biến chè ô long xuất khẩu” do Công ty cổ phần Vạn Tài có địa chỉ ở xã Phúc Thuận (Phổ Yên) làm chủ đầu tư. Cơ quan chuyển giao công nghệ là Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Cơ quan quản lý dự án là Sở Khoa học & Công nghệ. Cả 2 dự án trên đều nhằm mục tiêu tạo ra vùng sản xuất hàng hóa bền vững với những sản phẩm nông nghiệp đa dạng về mẫu mã, chất lượng được kiểm định chặt chẽ bởi các bộ tiêu chuẩn, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm ổn định cho người lao động, góp phần bảo vệ môi trường…       

 

Thực tế qua một số dự án có sự liên kết “4 nhà” được triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã bước đầu tạo ra vùng sản xuất chuyên canh, nâng cao sức cạnh tranh của mặt hàng nông sản vì một cộng đồng phát triển. Đây là những tín hiệu đáng mừng cần được các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này tiếp tục nhân rộng để góp phần thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra là phấn đấu đến năm 2015 giá trị sản xuất đạt trên 85 triệu đồng/ha đất nông nghiệp trồng trọt.