Nhật Bản chế tạo thành công palladium nhân tạo

09:54, 02/01/2011

Lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà khoa học Nhật Bản đã chế tạo ra một loại hợp kim mới tương tự như kim loại hiếm palladium. Đây là một bước đột phá có thể giúp quốc gia này giảm bớt sự phụ thuộc vào các nước khác về nguồn tài nguyên này.

Kim loại này được sản xuất bằng công nghệ nano và có những thành phần tương tự như palladium, một kim loại quý hiếm nằm giữa rhodium và bạc trên bảng tuần hoàn các nguyên tố.

Nhóm nghiên cứu, đứng đầu là Giáo sư Hiroshi Kitagawa của ĐH Kyoto cũng đã nghiên cứu cách tạo ra những hợp kim có khả năng thay thế cho các kim loại quý hiếm khác.
 
Rhodium và các phân tử bạc thường không trộn lẫn và vẫn bị phân tách như dầu và nước ngay cả sau khi nóng chảy ở nhiệt độ cao. Để kết hợp các yếu tố, Giáo sư Kitagawa đã tập trung vào một kỹ thuật sản xuất hạt kim loại siêu vi.
 
Nhóm nghiên cứu đã tạo ra một dung dịch có chứa lượng rhodium và bạc như nhau, rồi đã biến dung dịch thành sương mù và trộn nó từng chút một với cồn nóng để tạo ra các hạt của hợp kim mới. Mỗi hạt có đường kính 10 nanomet và nguyên tử của hai kim loại được trộn đều nhau.
 
Theo các nhà nghiên cứu, hợp kim mới có tính chất tương tự như palladium, được sử dụng như một chất xúc tác để làm sạch khí thải và hấp thụ một lượng lớn khí hydro.
 
Khó có thể sản xuất hàng loạt loại hợp kim mới này, tuy nhiên Giáo sư Kitagawa dự định sẽ sử dụng phương pháp sản xuất để phát triển các hợp kim khác thay thế cho các kim loại hiếm khác.
 
Kim loại quý hiếm chỉ tồn tại với số lượng nhỏ và việc khai khoáng hoặc chiết suất là rất tốn kém. Vì chỉ cần thêm một số lượng nhỏ các kim loại hiếm là có thể thay đổi hoặc cải thiện tính chất của các vật liệu khác, do đó kim loại quý hiếm được gọi là các "vitamin" của ngành công nghiệp.