Phát hiện loài báo mới ở châu Á

10:20, 24/01/2011

Kết quả phân tích gene chứng minh rằng loài báo mây quý hiếm trên hai hòn đảo tại Đông Nam Á là một phân loài khác với những con báo mây trên lục địa châu Á.

 

Báo mây Sunda trên đảo Borneo và đảo Sumatra thuộc Indonesia có bộ lông sẫm hơn và những đốm trên bộ lông của chúng nhỏ hơn so với báo mây trên lục địa châu Á. Vì thế nhiều nhà khoa học nghi ngờ chúng và báo mây trên lục địa là hai phân loài khác nhau.

 

Andreas Wilting, một nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Động vật và Thiên nhiên Leibniz tại Đức cùng các đồng nghiệp Indonesia phân tích gene của các con báo đốm Sunda trên đảo Borneo và Sumatra, AFP đưa tin.

 

"Loài báo mây Sunda trên đảo Borneo và Sumatra hoàn toàn khác với báo mây trên khắp lục địa châu Á", Wilting tuyên bố.

 

Wilting cho rằng báo mây trên đảo Borneo và Sumatra có thể bị chia tách về mặt địa lý từ kỷ Băng Hà cuối cùng.

 

Theo nhận định của nhóm nghiên cứu, khi ngọn núi lửa Toba trên đảo Sumatra phun trào dữ dội cách đây 75 nghìn năm, lực phun của nó gấp 1.000 đến 10.000 lần ngọn núi lửa St. Helen nổi tiếng ở Mỹ. Tro bụi của núi lửa dày đặc đến nỗi lượng ánh sáng mặt trời xuống địa cầu giảm mạnh, tạo nên một mùa đông dài tới 10 năm. Dân số trên địa cầu từng giảm mạnh sau khi núi lửa hoạt động. Chỉ có hai quần thể báo mây trên đảo Borneo và miền bắc Trung Quốc sống sót.

 

Băng tạo nên những chiếc cầu nối liền đảo Borneo với đảo Sumatra trong mùa đông 10 năm. Những con báo mây trên đảo Borneo di chuyển sang đảo Sumatra nhờ những chiếc cầu băng đó. Khi mực nước biển dâng lên trong kỷ Băng Hà, hai hòn đảo bị cô lập và những con báo trên đó tiến hóa thành một phân loài khác với những con báo mây trên lục địa.