Đến thăm Nhà máy Luyện Kim mầu II (thuộc Công ty TNHH Một thành viên Kim loại mầu Thái Nguyên) nằm trên địa bàn phường Tân Thành (T.P Thái Nguyên) vào một ngày mới đây, điều chúng tôi dễ dàng nhận thấy là khuôn viên Nhà máy không còn bừa bộn nguyên liệu sản xuất như trước đây, một số thiết bị cũ nát đã được thay thế. Giám đốc Nhà máy Lê Ngọc Thạo cho biết, nhờ sự giúp đỡ, khuyến khích của Sở Công thương, từ năm 2007 đến nay, Công ty đã đầu tư cho Nhà máy hàng chục tỷ đồng để cải tạo các lò luyện kẽm ô xít từ vận hành thủ công sang tự động hoá nên tình trạng gây ô nhiễm môi trường vì thế đã được khắc phục.
Cũng từ việc cải tạo công nghệ sản xuất, nguyên, nhiên liệu sử dụng của lò quay đã giảm nhiều so với trước: Quặng nguyên liệu mỗi năm giảm trên 400 tấn, đá đôrômít giảm gần 100 tấn, than giảm 300 tấn, điện giảm hàng vạn ki lô oát… Qua đánh giá của của lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Kim loại mầu Thái Nguyên, tổng trị giá kinh tế tiết kiệm được trong 3 năm gần đây của Nhà máy Luyện Kim loại màu II là gần 2 tỷ đồng. Đồng chí Lê Ngọc Thạo khẳng định, chủ trương đầu tư sản xuất sạch hơn của Bộ Công thương đã giúp đơn vị mạnh dạn đầu tư nâng cấp, cải tạo công nghệ sản xuất, đã đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Riêng vấn vấn đề ô nhiễm môi trường trong và khu vực xung quanh Nhà máy vẫn chưa thể giải quyết triệt để nhưng đã giảm thiểu được rất nhiều so với thời điểm trước năm 2007”. Bụi và tiếng ồn giảm tới 80% nên điều kiện làm việc của công nhân trực tiếp sản xuất được cải thiện. Anh Nguyễn Ngọc Quang, công nhân làm việc tại lò quay số I cho biết: “Trước khi chưa cải tiến công nghệ, chúng tôi phải chui vào trong lò để thu sản phẩm, vừa nóng, vừa bụi nhưng từ khi lò được nâng cấp, điều kiện làm việc đã tốt hơn nhiều”. Thành công từ việc cải tiến công nghệ lò quay ở Nhà máy Luyện Kim màu II đã tạo ra động lực, niềm tin với lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên kim loại mầu Thái Nguyên để tiếp tục đầu tư một số hạng mục công trình khác cho Nhà máy Luyện kim mầu II.
Việc đầu tư cải tiến công nghệ đã góp phần thay đổi cảnh quan, môi trường của Nhà máy; làm giảm những bức xúc của người dân sống quanh khu vực. Điều quan trọng hơn là đã thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị phát triển, tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người lao động.