Hai thành viên người Nga và Italy trong nhóm tình nguyện tham gia dự án "Sao Hỏa - 500", ngày 14/2 đã trở thành những người đầu tiên đi dạo trên bề mặt "hành tinh Đỏ".
Thực tế, đây là một tổ hợp kĩ thuật - y học đặc biệt, có diện tích 180 mét vuông đặt ở khu vực ngoại ô Mát-xcơ-va (Nga), được mô phỏng như một con tàu vũ trụ khép kín, hoàn toàn cách biệt với bên ngoài. Trong tổ hợp này có các điều kiện gần giống những điều kiện khi con người bay lên Sao Hỏa (trừ tình trạng phi trọng lượng và ảnh hưởng phóng xạ).
Bắt đầu từ ngày 3/6/2010, với sự tham gia của đội tình nguyện quốc tế 6 người, cuộc thử nghiệm 520 ngày đêm này được tính toán dựa theo giả định về thời gian để thực hiện trọn vẹn một chuyến bay lên Sao Hỏa, trong đó 250 ngày để bay từ Trái Đất tới Sao Hỏa, 30 ngày làm việc trên bề mặt "hành tinh Đỏ" và 240 ngày bay về Trái Đất.
Phó Chủ tịch Viện hàn lâm khoa học Nga, ông Anatoli Grigoriev nói: “Phác thảo sứ mệnh đặt chân lên Sao hỏa là một sự kiện đối với toàn nhân loại. Tuy nhiên có nhiều vấn đề khoa học phải giải quyết trước khi thực hiện các chuyến bay kiểu này và đầu tiên đó là nghiên cứu sự tiến hóa của hệ mặt trời. Đối với các nhà sinh vật học thì chúng tôi quan tâm tới nguồn gốc sự sống trên sao Hỏa và rất nhiều vấn đề khác nữa.”
Mục tiêu của cuộc thử nghiệm là nghiên cứu các đặc điểm thích nghi tâm-sinh lí của phi hành đoàn trong điều kiện sống và làm việc biệt lập với Trái Đất, nghiên cứu khả năng tương tác giữa phi hành đoàn với Trung tâm điều khiển thử nghiệm trong những điều kiện giao tiếp khác (thư điện tử và liên lạc vô tuyến), kiểm tra những phương tiện đảm bảo sinh hoạt sống và các thiết bị khoa học.
Chuyến bay 520 ngày đêm này là giai đoạn thứ ba, quan trọng nhất của dự án "Sao Hỏa - 500" do Viện Hàn lâm Khoa học Nga và Cơ quan Vũ trụ Nga phối hợp thực hiện, nhằm thu thập kinh nghiệm để chuẩn bị cho chuyến bay thực tế đưa con người lên Sao Hỏa. Nga hy vọng trong vòng 20-30 năm nữa có thể "hiện thực hóa" dự án phóng tàu vũ trụ đưa con người lên Sao Hỏa.