Giống như con người, thực vật cũng biết giả ốm, tạo thủ thuật đánh lừa hay cảnh báo nguy hiểm các loài khác để tăng khả năng sinh tồn.
Để tăng khả năng được thụ phấn, loài phong lan ruồi (Ophrys insectifera) dùng thủ thuật đánh lừa để những con ruồi đực đậu vào hoa của chúng. Hoa của phong lan chẳng những có hình dạng giống ruồi, mà chúng còn tiết ra mùi giống hệt mùi của các pheromone (được ví von là "hóa chất tình yêu") của ruồi cái. Khi những con ruồi đực cố gắng giao phối với "ruồi cái", phấn sẽ dính vào cơ thể chúng. Sau đó ruồi đực bay sang bông hoa khác và phấn sẽ sang theo.
Chanh dây không muốn con bướm đẻ trứng trên lá của nó, bởi khi trứng nở thành sâu, lũ sâu sẽ ăn lá. Vì thế chanh dây tạo ra những chiếc lá kèm có hình dạng giống như trứng của con bướm. Thông thường, bướm sẽ không bao giờ đẻ trứng lên những chiếc lá nếu thấy trứng của con bướm khác trên đó. Nhờ thủ thuật này mà chanh dây giảm thiểu được thiệt hại do sự tàn phá của sâu.
Khi lá của cây ngải trắng bị côn trùng ăn, chúng sẽ phát tín hiệu cấp cứu dưới dạng mùi hóa chất ra môi trường xung quanh. Ngay sau khi nhận được tín hiệu, những cây thuốc lá gần ngải trắng sẽ tiết ra các hóa chất có tác dụng ngăn cản côn trùng tấn công chúng.
Lá của cây xấu hổ (còn gọi là cây trinh nữ, cây thẹn) luôn khép lại mỗi khi chúng chịu một lực nào đó từ bên ngoài. Giới khoa học cho rằng đây là một cách tự vệ của cây. Sau khoảng nửa giờ những chiếc lá khép sẽ mở ra.
Cây tai voi luôn là nơi đẻ trứng lý tưởng của loài bướm đêm. Sau khi ấu trùng biến thành sâu chúng sẽ ăn diệp lục của lá và bỏ lại lớp biểu bì màu trắng. Để đánh lừa loài bướm này, cây tai voi sẽ tạo ra những đốm trắng trên những lá khỏe mạnh. Sâu không bao giờ ăn những lá có đốm vì chúng nghĩ con sâu khác đã tấn công lá từ trước. Nhờ đó lá cây tai voi thoát nạn.