Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề của Hà Nội ngày càng tăng, đặc biệt là nước thải, khí thải đang trong tình trạng báo động. Nhận thức được điều đó, một nhóm bạn trẻ ở làng nghề Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội đã nảy ra ý tưởng làm than đốt từ chính nguồn chất thải đang gây ô nhiễm mà không gây hại tới môi trường.
Sinh ra và lớn lên ở làng nghề, nhóm bạn trẻ Nguyễn Phi Trường, Nguyễn Phi Vượng và Hữu Thị Dương đã sớm ý thức được áp lực ô nhiễm từ chính nơi mình sinh sống. Theo một kết quả khảo sát mới nhất, tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm như Dương Liễu, La Phù (huyện Hoài Đức), nước mặt nhiều nơi có hàm lượng COD, BOD5, NH4+, Coliform vượt hàng chục lần đến hàng trăm lần cho phép. Riêng làng nghề Dương Liễu, hàng năm, gần 500.000 tấn lượng chất thải rắn (hữu cơ) được xả thẳng ra môi trường gây ô nhiễm trầm trọng 12 xã lân cận, gây ách tắc cống rãnh, bệnh tật cho người dân...
Nhóm trưởng Nguyễn Phi Trường cho rằng, hiện nay, tuy mức sống tại làng nghề đã khá hơn, nhưng với khoảng 3.000 hộ, Dương Liễu vẫn còn khoảng 150 hộ nghèo. Bên cạnh đó nhu cầu đun, nấu, sấy tại làng và các vùng nông thôn nói chung ngày càng tăng trong khi chi phí cho các loại chất đốt lại cao như gas : 350.000 đồng/bình, than tổ ong 1.600 -1.900 đồng/viên... ước tính với 3 lần đun nấu, mỗi gia đình dùng 10 viên than, mỗi ngày tốn mất 19.000 đồng, cả tháng lên gần 600.000 đồng. Đây cũng là một gánh nặng chi tiêu với các hộ dân. Mặt khác, thị trường chất đốt còn nặng về dạng không tái tạo (gas, than hoá thạch, điện) nên không bền vững, ngày càng cạn kiệt. Thực trạng trên khiến nhóm bạn trẻ đã nung nấu ý tưởng tìm cách biến một phần rác thải dư thừa đó thành những sản phẩm có ích: than tổ ong và than viên.
Than tổ ong và than viên do nhóm bạn trẻ thử nghiệm thành công chứa 60% chất thải hữu cơ làng nghề, 40% còn lại là than cám thông thường. Sau khi nhờ các cơ quan chức năng tiến hành đo đạc, nghiên cứu, kết quả cho thấy nhiệt lượng do than này cung cấp cao hơn than bình thường 10 - 20%, thời gian cháy lâu hơn, trong khi giá thành lại rẻ hơn 25 - 35% (1.700 đồng một viên). Nguyễn Phi Trường chia sẻ, "bố mẹ là người đã động viên, khuyến khích thúc đẩy chúng tôi khởi nghiệp. Với kinh nghiệm 15 năm gia đình tôi làm phân hữu cơ từ rác, bố tôi đã chỉ ra rằng, đừng tưởng chất thải của làng mình chất đống lầy lội hết cả ngõ xóm là thứ bỏ đi. Rác cũng là tiền, cũng là tài nguyên cả đấy". Lợi thế đó đã giúp cho nhóm bạn trẻ rất nhiều trong những bước đầu thực hiện dự án.
Ý tưởng của Trường, Vượng và Dương đã được thử nghiệm ngay tại gia đình bằng cách trộn chất thải với than bình thường để tạo thành than bán hữu cơ với thời gian cháy lâu hơn, không khói, trong khi lượng CO2 giảm đáng kể.
Than viên tổ ong với thương hiệu than Bảo Lâm STC999 bán hữu cơ sinh học đã chính thức ra lò. Tuy nhiên, mong muốn của Trường, Vượng, Dương không chỉ là viên than sẽ sớm được thị trường chấp nhận mà việc sử dụng loại than này sẽ góp phần thay đổi ý thức của hơn 1.000 người về sử dụng năng lượng mới tái tạo tại các làng nghề Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế, La Phù, các trường trung học của các xã trên. "Chúng tôi sẽ mở rộng cơ sở sản xuất để nâng cao sản lượng, cải tiến công nghệ để tạo ra loại than bán hữu cơ hoàn toàn không có khí CO2”, Nguyễn Phi Trường khẳng định.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt