Sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh

08:40, 28/05/2011

Việc nhiều người bỏ hàng nghìn USD mua sừng tê giác để mài thành bột chữa bệnh là sai lầm, tổ chức Bảo vệ các loài hoang dã quốc tế (CWI) khuyến cáo.

 

Theo CWI, sừng tê giác chủ yếu được cấu tạo bởi chất sừng, cũng như thành phần của tóc và móng tay con người. Tuy nhiên lâu nay nhiều người châu Á vẫn tin sừng tê giác dạng bột có thể chữa bất cứ bệnh gì từ đau đầu tới bệnh gút. Thậm chí ở Việt Nam còn có tin đồn rằng sừng tê giác chữa khỏi bệnh ung thư. Vì thế, nhu cầu sử dụng sừng tê giác như một loại thuốc đông y ngày càng tăng.

 

Ông Mark Jones, giám đốc tổ CWI cho biết, giá 1kg sừng tê giác dạng bột ở Việt Nam là 60.000 USD, mức giá này không phải cố định mà liên tục thay đổi. So về trọng lượng thì nó còn đắt đỏ hơn cả vàng và giá bán cocaine trên thị trường chợ đen châu Âu.

 

Đa số sừng tê giác đều có nguồn gốc từ Nam Phi. Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan là thị trường chủ yếu buôn bán sừng tê giác dạng bột. Nhưng thông thường, những kẻ buôn lậu thường vận chuyển gián tiếp sừng tê giác qua các nước ở châu Á, hoặc châu Âu để lách luật trước khi đến nơi tiêu thụ chính.

 

Trong nhiều năm trở lại đây, dù có rất nhiều nỗ lực bảo vệ tê giác khỏi tay những kẻ săn trộm, loài này trên thế giới vẫn suy giảm nghiêm trọng về số lượng do vấn nạn săn trộm tê giác lấy sừng đang diễn biến ngày một phức tạp.

 

Theo số liệu thống kê của CWI, trong tự nhiên chỉ còn lại 5 loài tê giác với tổng số khoảng 26.000 con đang sống ở châu Phi và châu Á. Còn tê giác Sumatra và Java ở Đông Nam Á, cũng đang bị đe dọa tuyệt chủng, với khoảng 300 con tê giác Sumatra và 45 con tê giác Java hiện còn sống sót.

 

"Cần có cơ chế ban hành luật, thi hành pháp luật kiên quyết hơn và các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với nạn săn trộm và buôn bán sừng tê giác. Quan trọng hơn cả là cung cấp kiến thức, tuyên truyền cho những người sử dụng các sản phẩm sừng tê giác, giúp họ hiểu tại sao điều này không hề tốt cho cả họ và loài tê giác. Nếu không, những loài động vật quý hiếm sẽ vĩnh viễn biến mất", ông Mark Jones nói.

 

Ngày 1/6 tới, tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã ở Việt Nam (WAR) sẽ tổ chức lễ trao giải cuộc thi vẽ tranh chủ đề “Bảo vệ Tê giác một sừng và các loài động vật hoang dã quý hiếm”. Hoạt động này để tưởng nhớ sự kiện con tê giác một sừng chết tại vườn quốc gia Cát Tiên tháng 5/2010, đối tượng là các em thiếu nhi.

 

Năm mươi bức tranh đẹp nhất trong số hơn 1.000 tác phẩm dự thi sẽ được trưng bày trong suốt thời gian diễn ra Ngày hội sản phẩm dịch vụ văn hóa nói trên. Những tác phẩm ấn tượng nhất cũng sẽ được sử dụng trong các ấn phẩm giáo dục truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của học sinh và công chúng đối với việc bảo vệ động vật hoang dã.