Ứng dụng phân bón NEB-26 vào cây chè

09:22, 13/05/2011

Nhằm giúp các hộ dân nâng cao năng lực về kỹ thuật quản lý dinh dưỡng trên cây chè, giảm chi phí vào đầu tư sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế hướng tới nền nông nghiệp sạch và thân thiện với môi trường, năm 2010, huyện Phú Lương đã triển khai mô hình bón phân Neb-26 đối với cây chè tại 2 xóm Thác Dài và Quyết Thắng của xã Tức Tranh.

 

Đây là sản phẩm phân bón có nguồn gốc sinh học do Mỹ sản xuất và đã khẳng định hiệu quả trên một số loại cây trồng (lúa, dưa chuột, lạc...). Ưu việt nổi bật của loại phân bón này là cung cấp vào đất các chất dinh dưỡng và các chất cần thiết khác tạo điều kiện cho sự phát triển về số lượng và tăng cường sự hoạt động vi sinh vật đất làm tăng sự phát triển của cây trồng. Không bó hẹp trong phạm vi mô hình, đến nay, phân bón Neb-26 đã được ứng dụng rộng rãi trên mảnh đất chè Tức Tranh...

 

Gia đình chị Phạm Thị Biên, xóm Đồng Hút, xã Tức Tranh cho biết: Gia đình tôi có 4 sào chè Kim Tuyên. Trước đây, gia đình tôi vẫn bón phân cho chè theo tập quán bón lân Supe hết vào đầu năm, đạm Urê và Kaliclorua bón mỗi lứa một lần sau thu hái khi chè bắt đầu nảy chích. Hình thức bón thường và bón vãi, bón phân xong tưới ẩm. Do vậy gây lãng phí phân đạm, năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi sử dụng phân bón Neb-26, tôi bón theo kỹ thuật được cán bộ nông nghiệp tập huấn là: lân Supe và Kaliclorua bón như tập quán, phân đạm cộng với phân bón Neb theo tỷ lệ 1kg đạm trộn với 7ml Neb-26, tưới ẩm xong mới bón phân, bón vãi và bón sau thu hái từ 7-12 ngày. Sau khi bón phân Neb qua 3 lứa hái, tôi thấy cây chè phát triển tốt, mật độ búp và trọng lượng búp cao, thời gian nảy búp sớm, lá có màu xanh sáng, dầy...

 

Còn anh Vũ Văn Huấn, xóm Đồng Ranh, xã Tức Tranh cũng mới chuyển sang dùng phân bón Neb - 26 lại cho hay: Gia đình tôi có 10 sào chè, trong đó có 5 sào chè cành với các giống TRI777, Phúc Vân Tiên. Khi sử dụng phân bón Neb, tôi thấy có thể giảm 50% lượng đạm Urê so với trước đây mà cây vẫn sinh trưởng và phát triển tốt cả chè trung du và chè cành. Không những vậy, khi sử dụng phân bón Neb còn tăng khả năng giữ ẩm cho đất, phù hợp làm chè đông và trồng chè nơi không thuận nguồn nước. Nói về hiệu quả kinh tế do phân bón Neb đem lại, ông Huấn cho biết thêm: Trên cùng một đơn vị diện tích, nếu sử dụng phân bón Neb cho năng suất, sản lượng chè búp tươi cao hơn từ 15% đến 20% so với cách bón phân truyền thống. Nhờ vậy hiệu quả kinh tế của diện tích chè bón phân Neb-26 qua 3 lứa hái đạt gần 7 triệu đồng/sào, cao hơn trước 2 triệu đồng/sào.

 

Qua ứng dụng vào thực tiễn, phân bón Neb - 26 được đông đảo người trồng chè ở Tức Tranh đồng tình ủng hộ và tự nguyện ứng dụng loại phân bón này vào việc canh tác. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, xã Tức Tranh có diện tích chè trên 1 nghìn ha (cao nhất huyện), năng suất chè trung bình đạt 98tạ búp tươi/ha và xã có 4 làng nghề chè được tỉnh công nhận gồm: Thác Dài, Quyết Thắng, Gốc Gạo, cụm Khe Cốc thì vấn đề xây dựng các mô hình về chăm sóc, thu hái và chế biến chè an toàn theo hướng bền vững là việc được chính quyền địa phương quan tâm. Vì vậy, việc sử dụng phân bón Neb-26 vào sản xuất làm tăng hiệu quả kinh tế, hướng tới nền nông nghiệp sạch và thân thiện với môi trường đang được người trồng chè Tức Tranh tích cực ứng dụng nhằm giảm thiểu tình trạng lạm dụng nhiều phân bón hoá học gây ô nhiễm môi trường, đất đai suy thoái như hiện nay...