Đánh giá kết quả thử nghiệm giống lúa mới

16:46, 14/06/2011

Ngày 14-6, tại xóm Mỹ Lập, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) đã diễn ra Hội thảo đầu bờ đánh giá hiệu quả mô hình trồng thử nghiệm hai giống lúa thuần chất lượng cao TBR36 và SH2.

 

Mô hình giống lúa thuần chất lượng cao TBR36 và SH2 được đưa vào trồng thử nghiệm tại xóm Mỹ Lập từ vụ xuân năm 2011 với quy mô 4ha; số hộ tham gia mô hình là 34 hộ; thời gian thực hiện mô hình từ tháng 1 đến tháng 6-2011. Tham gia mô hình, các hộ gia đình đã được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cấp tài liệu; tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ 60% giá giống, 40% giá phân bón, tương đương với số kinh phí là gần 3 triệu đồng/ha.

 

Kết quả, giống TBR36 có năng suất trung bình ước đạt từ 70-75 tạ/ha, giống SH2 ước đạt 56-65 tạ/ha. Hai giống lúa thuần chất lượng cao này có khả năng sinh trưởng phát triển tốt; khả năng chống chịu sâu bệnh khá; thời gian sinh trưởng ngắn hơn giống lúa Khang Dân từ 5-7 ngày; hạt gạo khi nấu có mùi thơm nhẹ, cơm dẻo, phù hợp cho việc bổ sung vào cơ cấu giống lúa giúp các hộ nông dân có cơ hội lựa chọn để đưa vào sản xuất trong các vụ tới.

 

* Sáng 14-6, Trạm Khuyến nông T.P Thái Nguyên đã tổ chức Hội thảo giống lúa lai mới PHB71 và Đại Dương 1 vụ Xuân 2011 .

 

Tham gia mô hình có 20 hộ thuộc Đội 1, xã Phúc Hà với quy mô 3ha. Để so sánh được hiệu quả của giống PHB71, Đại Dương 1, Trạm Khuyến nông Thành phố đã sử dụng giống lúa Việt lai 20 làm giống đối chứng. Qua theo dõi 1 vụ sản xuất cho thấy, các giống tham gia mô hình đều có thời gian sinh trưởng tương đương nhau (145 ngày). Về khả năng chống chịu sâu bệnh, điều kiện ngoại cảnh, hai giống lúa PHB71 và Đại Dương 1 có khả năng chống đổ tốt, tỷ lệ sâu cuốn lá, sâu đục thân nhẹ hơn so với giống đối chứng. Số hạt thóc trên bông của giống lúa PHB71 đạt 165 hạt, Đại Dương 1 đạt 163 hạt, trong khi đó giống đối chứng chỉ đạt 155 hạt/bông; tỷ lệ lép của hai giống PHB71 và Đại Dương 1 là 20% còn giống đối chứng là 25%. Tính trên cùng diện tích 1 sào, giống PHB71 đạt 247 kg/sào, lợi nhận đạt gần 1,3 triệu đồng; giống Đại Dương 1 đạt 253kg/sào, lợi nhuận đạt trên 1,3 triệu đồng. Trong khi đó giống đối chứng chỉ đạt 225 kg/sào, lợi nhuận kinh tế đạt trên 1,1 triệu đồng.

 

Do đây là lần đầu tiên hai giống lúa PHB71, Đại Dương 1 được đưa vào gieo cấy thử nghiệm trên địa bàn Thành phố nên chính quyền địa phương và một số hộ dân tham gia mô hình đã đề nghị các ngành chức năng tiếp tục triển khai mô hình trong các vụ tiếp theo ở các địa phương khác nhau. Qua đó, có thể đánh giá, kết luận chính xác hơn về chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển của giống lúa này trước khi đưa vào sản xuất đại trà. Đồng thời, đề nghị đơn vị cung ứng giống cần xem xét lại giá giống hợp lý hơn, tạo thuận lợi cho bà con nông dân trong quá trình sản xuất.

* Ngày 14-6, tại xã  Kha Sơn, Trạm Khuyến nông huyện Phú Bình đã tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả mô hình giống lúa lai mới  HYT 100 trên địa bàn.

 

Đây là năm thứ 2 huyện Phú Bình đưa giống lúa lai HYT 100 vào cấy khảo nghiệm, với diện tích 5ha. Tham gia mô hình có 43 hộ dân, thuộc xóm Soi xã Kha Sơn. Giống lúa đối chứng là Khang dân 18 (KD18). Kết quả cho thấy, trong cùng điều kiện chăm sóc, giống lúa lai HYT 100 là có thời gian sinh trưởng ngắn hơn so với một số giống lúa lai hiện đang sản xuất trên địa bàn và tương đương với giống KD18; thời gian đẻ nhánh sớm nên chiều dài bông và số hạt trên bông tương đối đều, nhiều hơn so với giống KD18; năng suất giống lúa lai HYT 100 đạt 71 tạ/ha, cho lợi nhuận khoảng 46 triệu đồng/ha; còn giống KD18 đạt 56 tạ/ha, lợi nhuận đạt khoảng trên 33 triệu đồng/ha. Ngoài hiệu quả rõ rệt về kinh tế, giống HYT 100 còn có khả năng chống chịu sâu bệnh, chống đổ và khả năng chống rét tốt.

 

Thông qua mô hình này, Trạm Khuyến nông đã khuyến nghị các hộ dân xã Kha Sơn chủ động đưa giống lúa mới này vào sản xuất trong các vụ tiếp theo.