Đưa công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác các công trình thủy lợi

15:06, 14/06/2011

Trên địa bàn Thái Nguyên hiện có trên 1.800 công trình thủy lợi, trong đó có 245 trạm bơm tưới, 1 trạm bơm tiêu, 796 hồ đập, 250 tuyến kênh mương với chiều dài hơn 2.520 km, 500 cống lớn, nhỏ, 1 trạm thủy điện và các tuyến đê, kè chống lũ … Các công trình thủy lợi hiện đang phục vụ tưới cho 37.800 ha vụ mùa, 27.500 ha vụ xuân, 19.400 ha rau màu, cây công nghiệp …

 

Để nâng cao chất lượng quản lý, khai thác các công trình thủy lợi hiện có nhằm phục vụ tốt sản xuất và đời sống dân sinh, đồng thời phát huy những trang thiết bị công nghệ thông tin hiện có, Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão tỉnh đã đề xuất và được sự đồng ý của Hội đồng khoa học tỉnh, UBND tỉnh đã phê duyệt cho triển khai dự án: ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

 

Thực hiện dự án, đơn vị tư vấn và chuyển giao công nghệ là Trung tâm Khoa học và triển khai kỹ thuật thủy lợi (Đại học Thủy lợi) đã có nhiều cố gắng hoàn thành tốt các nội dung được phê duyệt, gồm: điều tra, bổ sung, thu thập tư liệu, bản đồ hiện trạng hệ thống công trình thủy lợi tại Sở Nông nghiệp và PTNT, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác thủy lợi, các trạm khai thác thủy lợi, các hạt quản lý đê và phân tích đánh giá hệ thống hiện tại. Cập nhật, bổ sung bản đồ số hóa 9 huyện, thành, thị trong tỉnh; phân tích, thiết kế, xây dựng và phát triển kiến trúc, cấu trúc thông tin, cơ sở dữ liệu thuộc tính, cập nhật thông tin hiện trạng công trình, xây dựng phần mền quản lý cơ sở dữ liệu hệ thống công trình thủy lợi trên hệ thống GIS; đào tạo trình độ công nghệ thông tin cho cán bộ quản lý tại Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác thủy lợi, phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, thành, thị trong tỉnh.

 

Với chất lượng và tiến độ thực hiện dự án theo đúng yêu cầu đề ra, dự án đã hoàn thành được bản đồ số hóa toàn bộ hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ 1/25.000, bao gồm các lớp về địa hình, sông ngòi, công trình thủy lợi (hồ chứa, cống, trạm bơm, đê, kè, kênh, công trình giao thông, đường đồng mức, địa giới hành chính, thủy văn)… Xây dựng bộ phần mềm ứng dụng quản lý cơ sở dữ liệu hệ thống công trình thủy lợi trên bản đồ kỹ thuật số với đầy đủ chức năng: quản lý lí lịch công trình thủy lợi (thông số thiết kế, hiện trạng, quá trình nâng cấp, sửa chữa công trình…); cập nhật số liệu, tìm kiếm, thống kê, tổng hợp, xử lý thông tin lý lịch công trình thủy lợi, bảo mật và lưu giữ cơ sở dữ liệu.

 

Việc triển khai dự án đã mang lại hiệu quả tốt trong công tác quản lý, giúp cho các đơn vị trực tiếp quản lý vận hành công trình thủy lợi có thể lưu trữ, bổ sung, truy cập tài liệu một cách nhanh chóng, chính xác và thuận tiện như: nhìn trực quan trên máy, in ra giấy, hình ảnh, video …; giúp cho việc trao đổi thông tin giữa đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành công trình với cơ quan quản lý Nhà nước được thuận lợi, thường xuyên, liên tục qua internet. Kết quả thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi cũng đã tạo nên tác phong làm viêc khoa học cho cán bộ, công chức, giúp cho việc giải quyết và xử lý công việc nhanh chóng, chính xác, hiệu quả, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công tác… Với kết quả trên, dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi đã thiết thực mang lại hiệu quả trong phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh trong năm 2011 và những năm tới.