Vào thời điểm chính vụ, đến các vùng chè tập trung của huyện Định Hóa, chúng tôi được người dân hồ hởi khoe về máy hái chè, một công cụ giúp họ giải phóng sức lao động khỏi những nương chè bạt ngàn. Nếu như trước đây, mỗi khi vào vụ gia đình nào cũng lo lắng thu xếp công việc để tập trung thu hái chè thì nay công việc này đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
Chúng tôi dừng chân bên nương chè xanh mơn mởn của gia đình Đỗ Quang Đạt, xóm Song Thái 3, xã Điềm Mặc để xem anh thu hoạch chè bằng máy. Mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt sạm đen vì nắng, giọng anh Đạt sang sảng: “Mời các cậu vào nhà uống nước, tớ đang tiện tay cho hết luống này”. Ấm chè chưa kịp ngấm, đã thấy anh Đạt vác máy về đến cổng nhưng chúng tôi còn phải chờ ông chủ thêm một lúc để anh tỉ mẩn lau chùi sạch sẽ chiếc máy. Anh Đạt phân trần “Đây là quy định chung của nhóm, sau khi sử dụng xong phải lau rửa, bảo quản cẩn thận, mình là nhóm trưởng nên lại càng phải gương mẫu”. Nhận thấy sự hiệu quả của máy hái chè, anh Đạt cùng với 3 gia đình thuộc diện hộ nghèo khác ở xóm đã chung tiền để mua một chiếc máy hái chè đôi, hiệu Ochiai của Nhật Bản trị giá 12 triệu đồng. Để tránh tình trạng “ngựa chung chóng gầy, giầy chung chóng rách” các thành viên trong nhóm đã thảo luận và thống nhất từ quy định sử dụng, bảo quản, đến việc làm dịch vụ phục vụ người thân, bà con trong xóm và bảo quản định kỳ… Anh Đạt chia sẻ: “Từ khi có máy, chúng tôi không còn phải lo chạy đôn, chạy đáo tìm người thuê hái chè như trước nữa”.
Anh Trần Xuân Hà, xóm Song Thái 3 - người đầu tiên ở huyện Định Hóa đầu tư mua máy hái chè phân tích: “Tuy chất lượng chè búp tươi thu hái bằng máy kém hơn so với thủ công nhưng sử dụng máy hái chè ưu điểm hơn hẳn về năng suất, sản lượng và rút ngắn thời gian khoảng cách giữa các lứa chè. Trung bình, một ngày thu hoạch bằng máy có thể đạt 500kg đến 600kg chè búp tươi, bằng khoảng 15 lao động thủ công. Cùng một diện tích chè, thu hái bằng máy sẽ được sản lượng nhiều hơn bởi máy hái có thể cắt được cả các lá chìa”. Theo kinh nghiệm của anh Hà, sử dụng máy hái chè cũng rút ngắn khoảng cách giữa các lứa chè từ 5 đến 7 ngày và tăng đáng kể mật độ búp/tán do việc cắt sâu, đều đã kích thích cây chè mọc chồi non nhanh hơn. Sau hơn 4 năm sử dụng máy hái chè, anh Hà khẳng định: Chi phí công lao động cho công đoạn này chiếm 40% đến 45% tổng chi phí đầu tư cho cây chè và chiếm 25% đến 30% giá bán chè búp tươi. Nếu hái thủ công, thu nhập của nông dân rất hạn chế, do đó đầu tư máy hái chè là điều tất yếu nếu muốn phát triển sản xuất hàng hóa. Với sản lượng chè búp tươi khoảng 1,5 tấn mỗi lứa, anh Hà chỉ mất khoảng 3 đến 4 ngày sử dụng máy thay vì huy động cả gia đình, thu hái bằng tay mất hơn nửa tháng như trước đây. Việc sử dụng máy cũng giúp gia đình anh Hà có nhiều thời gian hơn để đầu tư chăm sóc nâng cao năng suất và mở rộng diện tích chè.
Theo thống kê của Phòng Nông Nghiệp và PTNT huyện Định Hóa, hiện toàn huyện có trên 60 máy hái chè, tập trung ở các xã nhiều chè phía nam của huyện như: Điềm Mặc, Bình Yên, Sơn Phú… Ở nhiều địa phương như: xóm Song Thái 2, 3, xã Điềm Mặc; xóm Yên Thông, Yên Hòa, xã Bình Yên; xóm Phú Hội, Sơn Thắng, xã Sơn Phú… hầu hết người dân đã thu hoạch chè bằng máy. Nhằm hỗ trợ và khuyến khích người dân sử áp dụng khoa học - kỹ thuật, sử dụng máy móc vào sản xuất, năm 2009, từ nguồn vốn khuyến nông tỉnh, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã đã giới thiệu và hỗ trợ máy hái chè cho 2 gia đình ở xã Bình Thành và Phú Đình. Ngoài ra, từ nguồn vốn của Chương trình 135 đã có hơn 50 gia đình làm chè được hỗ trợ vốn mua máy (mỗi gia đình được hỗ trợ 3 triệu đồng, 3 gia đình lập thành một nhóm để mua một máy). Nhiều gia đình tuy không được hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ nhưng cũng chủ động mua máy phục vụ sản xuất. Anh Nguyễn Đức Hạnh, xóm Yên Hòa 2, xã Bình Yên chia sẻ: “Nhà chỉ có 2 lao động chính nên trước đây gia đình tôi chủ yếu thuê hái chè. Gần 2 tấn chè tươi mỗi lứa, nguyên tiền thuê hái cũng mất hơn 3 triệu đồng. Đầu năm 2011, tôi đã đầu tư mua một máy hái chè trị giá 11 triệu đồng. Sử dụng máy, mỗi lứa chè nay chỉ mất chưa đến 10 lít xăng và 5 ngày cầm máy. Cộng thêm việc chủ động làm thuê phục vụ anh em họ hàng, bà con lối xóm, đến giờ tôi đã cơ bản hoàn vốn đầu tư mua máy”.
Chứng kiến sự nhạy bén của người dân khi áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sự vượt trội hơn hẳn về năng suất, hiệu quả của sử dụng máy so với phương thức thu hoạch chè thủ công, chúng tôi tin tưởng máy hái chè đã và sẽ tiếp tục đồng hành, tích cực hỗ trợ người dân làm chè giải phóng sức lao động, tiết kiệm thời gian, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.