Hiệu quả kép của việc sử dụng phân bón vi sinh

09:16, 24/06/2011

Đơn giản, dễ làm, chi phí thấp mà hiệu quả kinh tế lại cao và giảm thiểu ô nhiễm môi trường là những ưu điểm nổi bật của phân bón vi sinh đem lại đối với cây trồng. Theo nhiều hội viên Hội LHPN xã Thanh Ninh (Phú Bình) thì phân vi sinh thực sự mang lại hiệu quả kép cho cả người nông dân và xã hội…  

 

Sử dụng phân vi sinh là một trong những nội dung của Mô hình xây dựng người phụ nữ nông thôn mới do Hội LHPN tỉnh triển khai, trong đó, xã Thanh Ninh là đơn vị được chọn làm điểm. Mô hình này được triển khai từ tháng 12-2010 và đến nay, sau 1 vụ sản xuất đã đạt được hiệu quả nhất định.

 

Chị Trương Thị Nụ, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Ninh phấn khởi cho biết: Sử dụng phân bón vi sinh trong nông nghiệp là một cách làm hay và hiệu quả. Để có được 1 tấn phân vi sinh (đủ bón cho 2 sào lúa hoặc 1-2 sào màu tùy loại mà không cần phải bón thêm bất kỳ loại phân nào), người nông dân chỉ cần 3 tạ phân chuồng, 7 tạ rác thải (gồm bèo tây, bèo hoa dâu, rơm rạ, cỏ, phân xanh, lá chuối…) và 1 gói men vi sinh (giá 20 nghìn đồng). Cách ủ phân cũng khá đơn giản, dễ làm: Cứ một lượt phân chuồng  lại đến một lượt rác thải rồi tưới nước hòa men vi sinh lên. Phân chuồng và rác thải càng khô thì lượng nước dùng để tưới lên càng nhiều. Ngược lại, nếu phân và rác thải ướt, thì lượng nước tưới lên phải ít đi. Sau đó, đậy kín bằng nilông. Cứ 7-10 ngày lại đảo một lần. Men vi sinh là chất xúc tác để tạo ra nhiều loại vi khuẩn có lợi, làm hoai mục rác thải và phân chuồng nên chỉ 7 ngày sau, mùi khó chịu của phân chuồng và rác thải đã bị biến mất và sau 1 tháng là có thể đem bón cho lúa. Nếu để từ 6 tháng trở nên sẽ trở thành loại phân sạch có thể được sử dụng để bón cho cây trồng ở trong nhà và khi đem bón rau, loại rau này sẽ đủ điều kiện trở thành rau sạch. Với những ưu điểm đó nên ngay sau khi có cán bộ của Tỉnh hội về xã triển khai, đã có hàng trăm hội viên ở tất cả các xóm trên địa bàn xã đăng ký tham gia với khối lượng phân được làm là 200 tấn, trong khi, dự kiến ban đầu chỉ là 20 tấn. Số phân này nếu tính ra giá thành mua phân lân tổng hợp để bón cho cây trồng sẽ tiết kiệm được khoảng 15-20 triệu đồng.

 

Minh chứng cho những gì vừa nói, chị Nụ đưa chúng tôi tới nhà chị Đỗ Thị Việt, ở xóm Vân Đình. Với 9 sào lúa trồng 2 vụ/năm, mỗi năm, chị Nụ phải bỏ ra trên dưới 4 triệu đồng để mua phân bón. Khi Tỉnh hội Phụ nữ hướng dẫn cách ủ và sử dụng phân vi sinh, chị Nụ đã rất hứng thú và làm theo. Chị tâm sự: Tôi đã ủ 1 tấn phân và đem bón thử nghiệm cho 2 sào lúa. Để có cơ sở đối chứng, 1 sào, tôi chỉ bón mỗi phân vi sinh; còn 1 sào tôi bón thêm 5kg phân lân tổng hợp (bình thường, nếu sử dụng phân chuồng thì mỗi sào lúa cần từ 10-12kg phân tổng hợp). Kết quả cho thấy, cả 2 sào lúa đều cho năng suất cao, thân cây lúa trong, lá đẹp, bông chắc, khỏe và đặc biệt là rất ít sâu bệnh. Tuy nhiên, đối với diện tích lúa được bón thêm phân lân tổng hợp thì tỷ lệ đẻ nhánh nhiều hơn nên năng suất đạt cao hơn. Chị Việt cho biết: Tôi sẽ tăng diện tích lúa được bón phân vi sinh trong các mùa vụ tới.

 

Đối với chị Nguyễn Thị Hoa, ở xóm Quán thì lần thử nghiệm đầu tiên loại phân này là để bón cho cây cà. Với hơn 1 sào cà, chị Hoa đã để lại 2 luống bón bằng phân gà như thường lệ để có cơ sở đối chứng. Thực tế cho thấy, diện tích được bón bằng phân vi sinh cho đất tơi xốp hơn hẳn, do đó rất dễ dàng trong việc làm cỏ; sâu bệnh cũng gần như không có và thời gian cho thu hoạch được lâu hơn nên hiệu quả kinh tế cao hơn. Sử dụng phân vi sinh nên chị Hoa đã giảm được trên 50% lượng lân bón thúc, tính giá trị kinh tế đạt khoảng 60 nghìn đồng/sào. Chị Hoa cho biết: Từ khi biết đến phương pháp ủ phân vi sinh, gia đình chị đã có ý thức hơn trong việc vứt rác thải sinh hoạt. Tất cả những gì có thể cho vào làm phân đều được chị thu gom thành đống ở góc vườn. Những đống cỏ bỏ hay những tầu lá chuối bị ai đó vứt lại ở ngoài ruộng hay ven đường giờ cũng đã được nhiều người nhặt mang về. Môi trường của nhiều gia đình và đồng ruộng vì thế cũng trở nên sạch hơn. Một số hộ không chăn nuôi đã đổi rơm, rạ cho những hộ chăn nuôi để lấy phân chuồng làm nguyên liệu ủ.

 

Tuy mới đưa vào sản xuất và sử dụng thử nghiệm ở 1 mùa vụ nhưng có thể thấy, phân vi sinh đã khẳng định được ưu điểm. Đây thực sự là mô hình hay, hiệu quả, mang nhiều ý nghĩa cả về kinh tế cũng như xã hội. Do đó, rất cần được Hội Phụ nữ các cấp cũng như các ngành, đoàn thể khác nghiên cứu để nhân ra diện rộng.