Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mai, Phó Trưởng khoa Truyền máu (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, ngân hàng máu cuống rốn (MCR) đầu tiên tại miền Bắc đã bắt đầu khởi động tại Bệnh viện Nhi Trung ương (BVNTW). Ngân hàng này ra đời sẽ tăng cơ hội chữa trị các bệnh hiểm nghèo cho trẻ nhỏ.
MCR là máu có trong dây rốn - phần nối giữa em bé và bà mẹ thông qua bánh nhau. Việc lưu trữ MCR có thể kéo dài từ 10-20 năm. Hiện BVNTW đang phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiến hành việc thu thập mẫu MCR. Có hai quy trình thu thập mẫu MCR là trước sổ nhau và sau sổ nhau. Trong đó, trước sổ nhau được áp dụng cho những ca sinh thường, sau sổ nhau với những ca sinh mổ. MCR sau khi được xử lý và lưu trữ đạt tiêu chuẩn sẽ phục vụ chữa trị các bệnh về huyết học như suy tủy, thalassemia, hay bệnh bạch cầu cấp (ung thư máu ở trẻ em). Ngoài ra, nếu tìm thấy sự phù hợp, tế bào gốc tạo máu từ MCR có thể tạo cơ hội chữa trị cho người thân trong gia đình, trong đó anh em cùng huyết thống có xác suất tiềm năng cao nhất.
Khoảng tháng 7 hoặc tháng 8 tới đây, BVNTW sẽ tiến hành một đợt thu thập mẫu MCR mới, dự kiến vài nghìn mẫu. Các bà mẹ nếu có ý định tham gia vào quy trình thu thập MCR phải thực hiện sàng lọc trước sinh, chẩn đoán di truyền để khẳng định em bé không mắc các bệnh di truyền mạn tính vì những mẫu MCR có bệnh di truyền thì không thể lưu trữ được.