Nhiều đề tài có tính ứng dụng cao

08:57, 31/07/2011

Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi (Viện Chăn nuôi) đứng chân trên địa bàn xã Bình Sơn (T. X Sông Công) hiện có 40 cán bộ, nhân viên, trong đó có 2 tiến sỹ, 3 thạc sỹ, số còn lại đều có trình độ đại học, cao đẳng, THCN.

Trong những năm qua, đặc biệt là những năm gần đây Trung tâm đã có nhiều nỗ lực trong công tác nghiên cứu và chuyển giao các đề tài khoa học công nghệ, từng bước khẳng định vai trò của một cơ sở nghiên cứu thực nghiệm tại khu vực miền núi phía Bắc.

 

Trung tâm có nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật về lĩnh vực chăn nuôi thú y; là trung tâm thực nghiệm của các trường đại học, cao đẳng thuộc lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất kinh doanh các sản phẩm phục vụ lĩnh vực này. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, ngay từ đầu năm tại hội nghị cán bộ, CNVC, lãnh đạo Trung tâm đã phát động trong toàn thể đơn vị phát huy tinh thần sáng tạo của mỗi cá nhân tham gia đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Theo T.S Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Trung tâm: "Trung bình mỗi năm Trung tâm có khoảng từ 10-15 cá nhân đăng ký các đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp tỉnh. Nổi bật nhất là trong năm 2010, Trung tâm đã tổ chức thông qua nội dung đề cương nghiên cứu 9 đề tài như: "nghiên cứu lai tạo nhóm ngựa lai phục vụ thể thao và du lịch"; "nghiên cứu, bảo tồn quỹ gen ngựa bạch"; "nghiên cứu, sản xuất và bảo tồn tinh dịch ngựa và trâu dạng cọng rạ"…

 

Các đề tài đều triển khai đúng kế hoạch và được Viện Chăn nuôi đánh giá cao, yêu cầu tiếp tục nghiên cứu và sản xuất thử". Cụ thể là đề tài "nghiên cứu lai tạo nhóm ngựa lai phục vụ thể thao, du lịch" của T.S Nguyễn Hữu Trà, Phó Giám đốc Trung tâm. Qua theo dõi 5 con ngựa chửa và đỡ đẻ an toàn đàn ngựa phối tinh ngựa đua cho thấy khối lượng bình quân của mỗi con khi sinh ra là 32 kg, 3 tháng tuổi đạt 40-45 kg. Ngựa có tầm vóc cao, đầu cổ kết cấu chắc chắn, chân thon dài, nhanh nhẹn, thể hình thanh săn. Trung tâm tiếp tục thực hiện thụ tinh nhân tạo 18 cọng tinh còn lại, kết quả thụ thai 5 con. Đây là thành công bước đầu của đề tài. Một đề tài "Nghiên cứu, sản xuất và bảo tồn tinh dịch ngựa và trâu dạng cọng rạ" của Th.s Vũ Đình Ngoan, Trạm trưởng Trạm nghiên cứu chăn nuôi ngựa.

 

Thành công trong sản xuất tinh đông lạnh ngựa và trâu ở nước ta, đặc biệt là công nghệ sản xuất tinh đông lạnh ngựa dạng cọng rạ thì Trung tâm là cơ sở đầu tiên ở Việt Nam sản xuất được. Năm 2010, Trung tâm đã chuyển giao 1000 liều tinh cọng rạ ngựa và trâu trong thụ tinh nhân tạo cho đàn trâu cái của Trung tâm và các tỉnh Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hà Nội. Kết quả đã có 50 con trâu có chửa bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Với kết quả này, sẽ góp phần bảo quản nguồn gen quý và từng bước cải tạo đàn trâu cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Với tính thực tiễn cao, đề tài này đã giành giải Ba trong cuộc thi "Sáng tạo trẻ" của tỉnh năm 2010. Năm 2011, Trung tâm lựa chọn và đưa vào thực hiện 9 đề tài nghiên cứu khoa học như: "Bảo tồn phát triển quỹ gen dòng ngựa bạch Việt Nam đồng thời khai thác những sản phẩm từ ngựa phục vụ chăn nuôi thủy sản và nâng cao sức khỏe cộng đồng"; "chọn lọc, lưu giữ phát triển các giống cỏ, cây thức ăn có năng suất chất lượng phục vụ chăn nuôi gia súc ăn cỏ khu vực miền núi"…

 

Tiếp tục chuyển giao công nghệ và đào tạo nghề đối với các tỉnh, thành miền núi phía Bắc. Riêng đối với tỉnh Thái Nguyên, Trung tâm thực hiện 3 dự án chuyển giao công nghệ là: cải tạo đàn bò; xây dựng mô hình vỗ béo bò thịt và xây dựng mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học. Hiện nay, các dự án đang được triển khai theo đúng tiến độ đề ra, góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng các loại giống vật nuôi, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất bền vững, từng bước khẳng định thương hiệu của Trung tâm đối với khu vực và toàn quốc.