Phát hiện hóa thạch gấu cổ đại

13:52, 06/07/2011

Lần đầu tiên, một bộ xương hóa thạch hoàn chỉnh của loài gấu túi khổng lồ Diprotodon được các nhà khoa học phát hiện tại Australia.

 

Bộ xương được tìm thấy tại vùng Carpentaria thuộc tây bắc bang Queensland, được cho là mẫu hóa thạch hoàn hảo nhất từ trước đến nay của loài gấu túi Diprotodon.

 

Các nhà khoa học ước đoán loài thú này nặng 3 tấn và có chiều dài hơn 4 mét, sống tại châu Australia trong thời kỳ cách đây khoảng hai triệu năm đến 25 nghìn năm, tờ Newstv dẫn tin.

 

Michael Archer, giáo sư của Bảo tàng quốc gia Australia nhận định: “Những gì chúng ta thấy ở đây chính là loài thú có túi lớn nhất từng tồn tại trên trái đất. Một con quái vật nặng ba tấn”. Theo giáo sư Archer, mẫu hóa thạch này có thể giúp các nhà nghiên cứu hình dung một cách rõ rệt về hình dáng và kích thước của loài Diprotodon.

 

Giáo sư Archer cũng cho biết, điều lạ lùng khi phát hiện ra mẫu hóa thạch là việc các khớp xương đều được tìm thấy gần như ở một chỗ. Do đó, nơi tìm ra hóa thạch cũng rất có thể là vị trí con vật đã chết cách đây 50 nghìn năm.

 

Loài gấu có túi khổng lồ này từng là sinh vật thống trị trên khắp châu Australia khoảng 50 nghìn năm trước đây, cùng thời kỳ đầu sinh sống của người dân bản xứ. Loài vật nặng nề này ăn cỏ và mặc dù có một khung đầu sọ to với nhiều hốc khí, chúng được đánh giá là không mấy thông minh.

 

Trước khi có những khám phá tại Queensland, hóa thạch hoàn hảo nhất của loài Diprotodon chỉ là một khúc xương được tìm thấy tại bang New South Wales. Do đó, các nhà cổ sinh vật học tin rằng, phát hiện mới này sẽ tiết lộ thêm nhiều điều thú vị về loài động vật tiền sử bí ẩn trên.