Liên hiệp quốc giúp Việt Nam sản xuất sạch hơn

09:31, 01/08/2011

Liên hiệp quốc (UNIDO) quyết định hỗ trợ Việt Nam áp dụng phương pháp kỹ thuật xử lý để giảm thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy từ ngành công nghiệp.

Các cơ quan trong nước và Tổ chức phát triển công nghiệp của Liên hiệp quốc (UNIDO) vừa tổ chức hội thảo hai ngày về áp dụng phương pháp và kinh nghiệm để giảm phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy từ ngành công nghiệp Việt Nam.

 

Dự án thí điểm ở 4 ngành công nghiệp gồm: Xử lý rác thải, công nghiệp luyện thép, sản xuất ximăng và sản xuất giấy, trong thời gian hai năm. UNIDO cung cấp hỗ trợ kỹ thuật nhằm phát triển nguồn nhân lực cần thiết và hạ tầng cơ sở để thực hiện các nghĩa vụ của Công ước Stockholm, các biện pháp giảm thiểu và loại bỏ phát thải các chất hữu cơ khó phân hủy, tổng kinh phí 800.000 USD.

 

Dự án cũng kết hợp với các chiến lược quốc gia của Việt Nam nhằm phát triển công nghiệp bền vững và sản xuất sạch hơn, góp phần cải thiện sức khỏe của người dân và cải thiện môi trường.

 

Các chuyên gia tính toán, trong hơn 10 năm qua, trung bình, mỗi tháng Việt Nam có thêm một đô thị, tỷ lệ đô thị hóa tăng gần 10%. Hiện tại, cả nước có trên 200 khu công nghiệp nhưng chỉ 105 khu công nghiệp đã xây dựng và đi vào vận hành công trình xử lý nước thải tập trung. Tỷ lệ hóa công nghiệp diễn ra nhanh chóng đang làm biến đổi các điều kiện môi trường cả ở thành thị và nông thôn Việt Nam.

 

 

Ngành công nghiệp thép tại Việt Nam được Liên Hiệp Quốc chọn hỗ trợ thí điểm hỗ trợ xử lý môi trường.

 

Đại diện Thanh tra Tổng cục Môi trường cho biết, để xảy ra tình trạng ô nhiễm là do trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Sự phân cấp giữa bộ, ngành và chính quyền địa phương không rõ ràng cũng khiến cho hoạt động thanh tra, giám sát và xử lý trở nên khó khăn.

 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng khuyến cáo, để xử lý triệt để các cơ sở mới gây phát sinh ô nhiễm môi trường, các địa phương cần siết chặt hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý những cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường.