Tích cực đưa cái mới vào sản xuất nông nghiệp

08:03, 17/08/2011

Tham gia cùng đoàn kiểm tra của Sở Khoa học & Công nghệ (KH & CN) về việc ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nông nghiệp của huyện Đại Từ chúng tôi nhận thấy các đồng chí lãnh đạo của Sở, cũng như các viện nghiên cứu đánh giá rất cao vai trò của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện trong việc phối hợp, cũng như thực hiện các dự án thuộc trên lĩnh vực nông nghiệp.

Được biết, Đại Từ là một huyện trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của tỉnh, với diện tích gieo cấy lúa hằng năm trên 12 nghìn ha. Huyện có 5.200 ha chè, chiếm 30% diện tích chè của tỉnh. Trong những năm qua, công tác ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp được huyện rất chú trọng, coi là giải pháp then chốt để phát triển nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay, góp phần chuyển đổi dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, nâng cao giá trị sản phẩm, đời sống cho nhân dân. Tuy nhiên, theo đánh giá của đồng chí Lê Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thì việc thực hiện công tác chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp chưa thực sự mạnh và đồng bộ, khả năng ứng dụng KHCN của nông dân vào sản xuất còn hạn chế; những mô hình ứng dụng có hiệu quả kinh tế cao chưa nhiều; công tác khuyến cáo, nhân rộng các mô hình còn có mặt hạn chế… Nhằm tích cực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu trong nội ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, trong 2 năm qua, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã triển khai 5 dự án ứng dụng KH&CN thuộc 3 lĩnh vực cây lúa, cây chè và cây dưa hấu với tổng kinh phí thực hiện là 2.685 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học hỗ trợ trên 899 triệu đồng. Đối với cây lúa, trong 2 năm 2009, 2010, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã đưa vào sản xuất 2 giống lúa nguyên chủng. Qua 2 năm triển khai dự án giúp cho huyện lựa chọn thêm các loại giống lúa mới có năng suất, chất lượng gạo ngon bổ sung vào cơ cấu sản xuất, từng bước loại bỏ, thay thế những giống lúa cũ, đã có những biểu hiện thoái hóa. Thông qua thực hiện dự án này đã có trên 300 hộ nông dân được tập huấn nắm vững quy trình sản xuấ giống lúa, kỹ thuật thâm canh lúa cao sản để áp dụng vào sản xuất, góp phần giải quyết việc làm cho nhân dân.

 

Dự án thứ hai là “Ứng dụng KHCN xây dựng mô hình tưới chè bằng van xoay”. Đây là Dự án triển khai năm 2010. Nhờ việc ứng dụng van xoay trong tưới chè mà góp phần nâng cao năng suất, sản lượng chè. Đặc biệt, nhiều hộ áp dụng mô hình này đã làm thêm được vụ chè đông mang lại giá trị kinh tế cao. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 10 mô hình tưới chè bằng van xoay…. Còn một số dự án sau khi triển khai đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao như dự án “Xây dựng mô hình trồng cây dưa hấu”. Qua đánh giá cho thấy giá trị cây trồng này đạt rất cao, trung bình 120 triệu đồng/ha…

 

Không chỉ chủ trì thực hiện chuyển giao các tiến bộ KHCN, mà Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện còn tích cực, chủ động phối hợp với các Viện Nghiên cứu (thông qua Sở KH & CN) để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Cụ thể, 2 năm qua, Phòng đã phối hợp với Viện Cây lương thực và cây thực phẩm để chuyển giao công nghệ trồng cây khoai tây trong vụ đông trên đồng đất xã Hùng Sơn. Qua đánh giá cho thấy cây khoai tây Hà Lan giống Sinora rất hợp với đồng đất ở đây. Trung bình 1ha khoai tây có thể thu hoạch được từ 18-25 tấn củ, lãi thuần đạt từ 35-40 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Cây khoai tây sau khi thu hoạch, phần thân có thể ủ làm phân, tạo cho đất tơi xốp, góp phần tăng năng suất lúa cho vụ xuân.

 

Trao đổi cùng chúng tôi, T.S Trương Công Tuyện, Viện Cây lương thực và Thực phẩm khẳng định: “khi triển khai dự án này trên một số huyện thuộc tỉnh Thái Nguyên, tôi nhận thấy các phòng nông nghiệp vào cuộc rất nhiệt tình, nhất là Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ. Phòng cử cán bộ kỹ thuật cùng các chuyên gia của Viện tổ chức tập huấn cho người dân. Trong quá trình triển khai Dự án, nhiều lúc không có điều kiện lên kiểm tra thường xuyên, thông qua đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Phòng và cán bộ khuyến nông ở các xã, chúng tôi nắm bắt được diễn biến thời tiết, sự phát triển của cây trồng. Nếu có những diễn biến bất thường thì chúng tôi cũng nắm được thông tin từ cơ sở để cử cán bộ lên để hướng dẫn kịp thời cho bà con ngay”. Được biết, từ thành công của việc chuyển giao công nghệ trồng cây khoai tây giống  Sinora này, vụ đông năm nay Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã đứng ra đảm nhiệm nhân rộng mô hình ra 10 ha trên địa bàn xã Hùng Sơn.

 

Nhờ việc tích cực, chủ động trong chuyển giao KHCN vào sản xuất nông nghiệp của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ đã góp phần tích cực vào việc đưa những tiến bộ mới trong khoa học vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị trên một đơn vị diện tích, từng bước tạo ra những sản phẩm hàng hóa nâng, cao đời sống cho nhân dân. Hiện nay sản lượng lúa của huyện Đại Từ dẫn đầu tỉnh với trên 68.000 tấn/năm; sản lượng chè búp tươi đạt trên 50.000 tấn/năm, là huyện có sản lượng chè lớn nhất trong cả nước. Với sự vào cuộc nhiệt tình vì lợi ích của nhân dân, vừa qua Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ đã vinh dự là 1 trong 8 tập thể của toàn tỉnh và cá nhân đồng chí Lê Thanh Sơn, Trưởng phòng được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ KH & CN năm 2010.