Đánh giá các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao

08:19, 21/09/2011

Ngày 20-9, tại xã Nam Tiến, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phổ Yên đã tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả mô hình thâm canh giống lúa thuần chất lượng cao vụ mùa năm 2011 (Ảnh).

Mô hình được triển khai thực hiện tại các xã: Nam Tiến, Đắc Sơn, Hồng Tiến, Tiên Phong với diện tích 20ha. Các giống lúa mới được đưa vào gieo cấy là: TBR36, TBR45, HT6, SH2 và giống đối chứng là Khang dân 18. Được biết, 200 hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 80% giá giống và 40% giá phân bón. Qua theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa cho thấy trong điều kiện chăm sóc như nhau, trên cùng 1 đơn vị diện tích, các giống lúa: TBR36, HT6, TBR45, SH2 có khả năng đẻ nhánh khá, chống đổ tốt, chất lượng gạo thơm ngon, khả năng chống chịu tốt với bệnh đạo ôn, bạc lá và rầy nâu hơn giống Khang dân 18. Kết quả thu hoạch: giống TBR45 đạt năng suất cao nhất là 58 tạ/ha, giống TBR36 có năng suất 57 tạ/ha, còn 2 giống HT6 và SH2 có năng suất 54 tạ/ha, thấp hơn so với Khang dân 18 là 1 tạ/ha.

 

Tại Hội thảo, bà con nông dân mong muốn tiếp tục được hỗ trợ để gieo trồng thử nghiệm các giống lúa mới, khi có kết quả chính xác sẽ đưa vào sản xuất đại trà.

 

 

* Ngày 20-9, Trạm bảo vệ thực vật T.X Sông Công đã tổ chức hội nghị đầu bờ mô hình 3 giảm, 3 tăng trong sản xuất lúa chất lượng vụ mùa 2011.

 

Vụ mùa sớm năm 2011, Trạm bảo vệ thực vật T.X Sông Công triển khai thực hiện mô hình 3 giảm, 3 tăng trong sản xuất lúa chất lượng ở xóm La Cảnh 1, xã Bá Xuyên. Tham gia thực hiện mô hình có 40 hộ, ở độ tuổi từ 30 tuổi đến 60 tuổi, là những hộ nông dân tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp, nhiệt tình, có nhu cầu học tập và áp dụng kỹ thuật mới. Diện tích mô hình là 5 ha. Trong quá trình thực hiện mô hình, Trạm Bảo vệ thực vật T.X Sông Công đã phổ biến nội dung kỹ thuật 3 giảm, 3 tăng cho người dân, gồm có: Cải tiến khâu làm mạ (giảm lượng giống), áp dụng biện pháp kỹ thuật gieo mạ thưa, cấy mạ non, cấy thưa, cấy 1 dảnh mạ, cấy vuông mắt sàng; cải tiến việc bón phân, bón theo nhu cầu của cây lúa, tùy theo chất đất...

 

Kết quả thực hiện cho thấy, mô hình đã giảm được chi phí đầu tư như giống (tiết kiệm được lượng giống gieo từ 50% - 60%), phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hơn 1 triệu đồng/ha. Cây lúa đẻ nhánh khỏe, cứng cây, chống chịu tốt với sâu bệnh, đặc biệt là bệnh khô vằn, năng suất lúa đạt 54,9 tạ/ha, cao hơn đại trà 6,4 tạ/ha, lợi nhuận cao hơn so với đại trà trên 5,2 triệu đồng/ha. Mật độ cấy phù hợp nhất trên đất cát pha ở xã Bá Xuyên thị xã Sông Công trong vụ mùa sớm là 39 khóm/m2 và với số dảnh cấy hợp lý là 1 dảnh/khóm. Từ kết quả này, Trạm bảo vệ thực vật T.X Sông Công đề nghị UBND thị xã, phòng Kinh tế mở rộng diện tích ứng dụng trên toàn diện tích lúa của T.X Sông Công.