Nền tảng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

14:01, 07/09/2011

5 năm qua đã có 169 đề tài, dự án khoa học công nghệ (KHCN) trên các lĩnh vực được triển khai thực hiện, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt, là nền tảng, động lực cho sự phát triển bền vững của tỉnh nhà.

Xác định rõ KHCN là cơ sở, nền tảng để thúc đẩy sự phát triển, Sở Khoa học & Công nghệ đã xây dựng Đề án "Phát triển KHCN tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2006-2010" làm cơ sở đẩy mạnh các hoạt động KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong 6 mục tiêu đề ra thì việc tập trung ưu tiên chuyển giao và ứng dụng các thành tựu KHCN tiên tiến vào sản xuất và đời sống là mục tiêu hết sức quan trọng. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trong 169 đề tài, dự án được triển khai thực hiện thì có tới 96 đề tài, dự án (chiếm 57%) thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Các dự án KHCN này đều tập trung ứng dụng các tiến bộ mới vào lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt. Tiêu biểu là Dự án chuyển giao công nghệ xây dựng mô hình nhân giống và sản xuất một số loại hoa giá trị cao tại tỉnh Thái Nguyên. Dự án này do Viện Nghiên cứu Rau quả thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chuyển giao. Địa điểm thực hiện tại một số hộ dân của phường Túc Duyên, T.P Thái Nguyên, Trạm Giống cây trồng Nông lâm nghiệp Gia Sàng và Công ty TNHH xuất nhập khẩu Tân Đô (Hòa Bình, Đồng Hỷ). Thông qua thực hiện Dự án đã có 50 lượt cán bộ địa phương, các hộ dân được tập huấn về phương thức triển khai mô hình này. Dự án đã xây dựng mô hình chuyển giao sản xuất hoa ứng dụng công nghệ mới trong nhà lưới và trồng ngoài tự nhiên. Đã có 5 giống hoa cúc (Chi vàng, Pha lê, Vàng mai, Trắng Trung Quốc, vàng Đài Loan) 1 giống hoa Lily (Sorbonne), 4 giống hoa đồng tiền (F153, 142, 123, 162) và 1 giống hoa loa kèn tứ quý được trồng thử nghiệm. Qua kiểm tra cho thấy các giống hoa nêu trên có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của tỉnh.  Tham gia dự án, các hộ trồng hoa đã nắm bắt đầy đủ quy trình sản xuất hoa thương mại để tiếp tục phát triển mô hình khi Dự án kết thúc. Kết quả nghiệm thu của Hội đồng Khoa học tỉnh cho thấy Dự án đạt loại xuất sắc do hiệu quả kinh tế đem lại rất cao. Nếu như mô hình trồng hoa ngoài tự nhiên đạt 150-200 triệu đồng/ha/năm thì trồng trong nhà lưới đạt từ 350-400 triệu đồng/năm. Theo T.S Đặng Văn Đông, Trưởng bộ môn nghiên cứu hoa cây cảnh, Viện Nghiên cứu Rau quả - Chủ nhiệm Dự án thì "thông qua hợp tác với tỉnh trong việc chuyển giao các tiến bộ KHCN, chúng tôi đã xác định được chủng loại và các giống hoa phù hợp với điều kiện địa phương, cũng như thị hiếu của người tiêu dùng. Trên cơ sở giống hoa được lựa chọn trồng, chúng tôi đã xác định thời vụ, kỹ thuật trồng, cách chăm sóc cụ thể phù hợp với từng loại hoa, từ đó làm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế lên 2-3 lần so với trồng hoa bằng kỹ thuật thông thường và gấp 5-6 lần so với các loại cây trồng khác. Về hiệu quả xã hội đã thu hút được một lực lượng lao động địa phương tham gia, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh, tăng thu nhập cho lao động. Qua mô hình cũng đã đào tạo, phát triển nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật và nông dân có trình độ phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn". Được biết, trong những năm gần đây thông qua Sở KH & CN, Viện Nghiên cứu Rau quả cũng đã phối hợp với nhiều địa phương trong tỉnh triển khai chuyển giao các tiến bộ KHCN như: Dự án trồng hoa Lily, lan Hồ điệp chất lượng cao tại các xã Động Đạt (Phú Lương), Đồng Liên (Phú Bình). Năm nay, Viện tiếp tục phối hợp với Sở KHCN, các Phòng Nông nghiệp và PTNT nêu trên để nhân rộng mô hình đã triển khai và được nghiệm thu đạt loại xuất sắc trong năm 2010.

 

Trên các lĩnh vực khác như chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản cũng có nhiều đề tài, Dự án triển khai mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu là dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất cá chép V1 thay thế giống cá chép bố mẹ ở các cơ sở sản xuất giống thuộc Trung tâm Thủy sản Thái Nguyên. Sau 2 vụ sản xuất đã thu được 3.650 nghìn con cá chép bột và 938.200 con cá giống, chọn được 50.000 cá giống tốt làm giống hậu bị, cung ứng 882.200 con cá giống cho các hộ nuôi cá thương phẩm. Dự án đã tạo được mô hình điểm để các trại sản xuất giống và các hộ sản xuất cá giống khác trong tỉnh tham quan học tập. Mô hình trên đã được nhiều hộ sản xuất cá giống ở các huyện Phú Bình, Đại Từ, Phổ Yên, Sông Công học tập và tạo ra nguồn cá chép bố mẹ hậu bị lớn chuẩn bị cho sản xuất cá chép lai tốt thay thế một phần cá chép giống địa phương…

 

Từ kết quả triển khai thực hiện 196 đề tài, dự án KHCN trong 5 năm qua, UBND tỉnh vừa có quyết định phê duyệt nhiệm vụ KH & CN "chuyển giao kiến thức KH & CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn tỉnh Thái Nguyên". Theo đó, có 28 mô hình ứng dụng KHCN được thực hiện trong giai đoạn 2011-2013. Trong đó, riêng năm 2011 triển khai thực hiện 12 mô hình với tổng kinh phí trên 2.292 triệu đồng. Các mô hình chuyển giao KHCN triển khai nhân rộng trong năm nay đều là những đề tài, dự án ứng dụng trong giai đoạn trước và đã được Hội đồng Khoa học tỉnh nghiệm thu đánh giá đạt từ loại khá trở lên. Thông qua việc triển khai nhân rộng các mô hình KHCN nhằm tạo ra những sản phẩm hàng hóa có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.