Thực hiện thành công kỹ thuật khó

09:28, 19/09/2011

Thành công trong áp dụng kỹ thuật thay thực quản bằng ống cuốn dạ dày tự thân đã mở ra cơ hội cho những trường hợp mắc các bệnh lý về thực quản. Khoa Ngoại tổng hợp B15- Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật khó chưa nơi nào làm được này.

Ca bệnh hy hữu

 

Mới 13 tuổi nhưng đã phải ăn bằng xông (sonde) dạ dày hơn 11 năm là ca bệnh khá đặc biệt. Nguyễn Trọng Hữu (Tây Ninh) sinh ra bình thường như mọi đứa trẻ khác. Nhưng đến năm 2000, khi mới 2 tuổi, Hữu có biểu hiện bị nghẹn ở cổ, chỉ uống được sữa nhưng rất chậm, nên bị sụt cân nhanh chóng, từ 12kg xuống còn 9kg. Gia đình đã đưa Hữu đi khám, điều trị tại một bệnh viện chuyên khoa đầu ngành tại TP Hồ Chí Minh nhưng không thành công nên phải mở thông dạ dày nuôi dưỡng qua ống xông.

 

Suốt 11 năm, Hữu đã trải qua phẫu thuật cắt 1/3 thực quản, 4 lần nong miệng nối thực quản do liên tục bị chít hẹp, nhưng rồi thực quản vẫn bị chít hẹp hoàn toàn. Với tình trạng bệnh tật như vậy, thậm chí nước bọt Hữu cũng không thể nuốt được, nói gì đến chuyện ăn. "Hằng ngày, tôi nấu các món ăn rồi xay nhuyễn, bơm qua ống xông cho con. Trước khi đi học cho cháu "ăn" bữa sáng, rồi canh chừng sau 2 tiết học lại đến trường bơm thức ăn cho con. Không kiên trì như thế cháu sẽ bị đói và không có sức để học", chị Nguyễn Thị Duyên mẹ của Hữu nhớ lại.

 

Cuối tháng 7-2011, biết được về kỹ thuật mới này, bố mẹ Hữu đã đưa em ra Hà Nội điều trị tại Khoa B15, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Sau hơn 11 năm ăn xông, dù gia đình đã rất cố gắng nhưng dinh dưỡng cho cơ thể không được đáp ứng đầy đủ, Hữu nhập viện trong tình trạng suy kiệt: 13 tuổi chỉ nặng có 24 kg.

 

Cuộc sống mới cho nhiều bệnh nhân

 

Qua chẩn đoán, thấy thực quản của Hữu đã chít hẹp hoàn toàn nên các bác sỹ quyết định phẫu thuật thay thực quản cho bệnh nhân. TS Triệu Triều Dương, Chủ nhiệm Khoa B15, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cho biết, đây là một ca mổ rất khó khăn vì bệnh nhân đã trải qua hơn 11 năm ăn bằng xông. Thêm nữa, trong các lần phẫu thuật trước, các bác sĩ đã áp dụng phương pháp mổ mở, nên Hữu bị viêm dính phổi, rò vết mổ cũ tại thực quản khiến phẫu thuật lại vùng đó bằng nội soi rất dễ thất bại. "Một băn khoăn khác là nếu trong quá trình phẫu thuật mà phạm phải dây thần kinh quặt ngược, nằm sát thực quản thì bệnh nhân có thể bị câm. Khi đó, bệnh nhân sẽ chuyển từ tàn phế này sang tàn phế khác, ảnh hưởng đến tương lai của cháu" - TS Dương chia sẻ. Các bác sĩ cũng tiên lượng những khó khăn trong việc gây mê bởi bệnh nhân thể trạng yếu, trong khi mổ lồng ngực cần phải làm xẹp 1 bên phổi, nghĩa là gây mê với 1 phổi còn 1 phổi nghỉ. Đồng thời bệnh nhân còn bị viêm dính kéo lệch đường khí đạo. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của mình, các bác sĩ gây mê ở BV 108 đã góp phần làm nên thành công của ca phẫu thuật.

 

TS Triệu Triều Dương cùng kíp mổ đã cắt một phần dạ dày, lấy đó làm "nguyên liệu" tạo hình thực quản và ghép lên phần thực quản bị chít hẹp được cắt bỏ. Chất liệu này có ưu điểm là bảo đảm được chiều dài, chức năng sinh lý gần với thực quản cũ, do đó miệng nối sẽ ít nguy cơ xì, rò. "Ngay buổi chiều sau khi phẫu thuật tới thăm cháu, thấy thằng bé nói giọng trong veo, chúng tôi mừng vì giọng nói của cháu hoàn toàn được bảo toàn", TS Dương cho biết. Sau hai tuần thay thực quản bằng ống cuốn dạ dày tự thân, bệnh nhân đã ăn uống được, sức khỏe bình phục. Chỉ có điều, do phải cắt 2/3 dạ dày làm "nguyên liệu" tạo hình thực quản nên phần dạ dày còn lại nhỏ. Vì vậy sau thay thực quản, bệnh nhân phải ăn nhiều bữa trong ngày, với lượng thức ăn tăng dần.

 

"Các bác sĩ đã đem lại cuộc sống mới cho cháu, kết thúc gần 11 năm bị teo thực quản, phải ăn bằng xông. Đến nay, sau hơn một tháng được thay thực quản bằng dạ dày, cháu đã lên được 3kg, ăn uống ngon miệng. Tinh thần và thể trạng của cháu đã được nâng lên rất nhiều", anh Nguyễn Văn Không, (Viện KSND tỉnh Tây Ninh) bố của cháu Hữu vui mừng cho biết.

 

Theo TS Triệu Triều Dương, thay thực quản bằng ống cuốn dạ dày tự thân có ưu điểm là bảo đảm chức năng sinh lý tốt. Việc phẫu thuật nội soi cắt thực quản giúp bệnh nhân sớm bình phục, giảm các nhiễm trùng sau mổ. Ngoài hiệu quả điều trị cho ca bệnh hy hữu như bệnh nhi Nguyễn Trọng Hữu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã áp dụng thành công phương pháp này cho các ca bệnh bị ung thư thực quản giai đoạn muộn, giúp cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.