Châu Âu bắt đầu triển khai hệ thống định vị toàn cầu

15:04, 20/10/2011

Hai vệ tinh nhân tạo đầu tiên trong hệ thống định vị toàn cầu mới của Liên minh châu Âu sẽ được phóng lên quỹ đạo trái đất hôm nay.

Đây là hai trong số 30 vệ tinh đầu tiên thuộc hệ thống định vị toàn cầu Galileo của châu Âu. Khối lượng của mỗi vệ tinh là 700 kg. Tên lửa đẩy Soyuz của Nga sẽ đưa chúng lên độ cao hơn 23.000 km từ một sân bay vũ trụ tại Nam Mỹ vào 10h34 GMT hôm nay.

 

Vụ phóng diễn ra sau gần hai tháng từ khi tên lửa Soyuz rơi khi đẩy tàu vận tải Progress 44 của Nga lên vũ trụ vào ngày 24/8. Tuy nhiên, tên lửa Soyuz được sử dụng hôm nay thuộc phiên bản hoàn toàn khác so với tên lửa rơi trong vụ phóng tàu vận tải. Vì thế các quan chức thuộc Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho rằng dư luận không nên lo ngại về nguy cơ sự cố.

 

Từ khi ra đời vào thập niên 60 của thế kỷ trước, tên lửa Soyuz đã bay lên vũ trụ gần 1.800 lần. Nhưng đây là lần đầu tiên tên lửa Soyuz hoạt động bên ngoài lãnh thổ Nga và Kazakhstan. Trong tương lai chúng sẽ tiếp tục đẩy vệ tinh nhân tạo của châu Âu theo một thỏa thuận được ký vào năm 2003.

 

28 vệ tinh nhân tạo còn lại trong hệ thống định vị toàn cầu Galileo sẽ được phóng trong vài năm tới. Tổng trị giá của 30 vệ tinh vào khoảng 7,2 tỷ USD. Hệ thống sẽ bắt đầu cung cấp một số dịch vụ vào năm 2014. Mục tiêu của châu Âu trong việc xây dựng hệ thống định vị Galileo là giảm sự phụ thuộc vào các nước khác trong hoạt động định vị.