Ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn

08:52, 18/10/2011

Trong 5 năm trở lại đây, Thái Nguyên đã thực hiện được gần 100 đề tài, dự án phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn…

Các đề tài ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập cho người nông dân.

 

Từ những đề tài, dự án trên, nhiều mô hình KHCN đã được triển khai tại 9/9 huyện, thành phố, thị xã. Trong đó, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của địa phương như: Sản xuất lúa giống nguyên chủng; trồng chè giống mới với các giống chè nhập nội, hình thành vùng nguyên liệu chế biến chè; xây dựng vườn giống cây ăn quả; cải tạo phát triển chăn nuôi trâu, trồng rau an toàn...

 

Theo đánh giá của Sở KHCN, đây có thể coi là những mô hình "điểm" trong  phong trào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên toàn tỉnh. Nhiều đề tài có tính ứng dụng cao, mang lại hiệu quả thiết thực đối với đời sống kinh tế - xã hội của người dân. Điển hình như mô hình sản xuất một số giống lúa  nguyên chủng tại các huyện Đại Từ và Phổ Yên, người nông dân khi tham gia đã tự sản xuất được giống lúa tốt, đúng tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng, được kiểm soát chặt chẽ, tạo vùng sản xuất giống trong dân, đến nay đã đáp ứng được 40% nhu cầu giống lúa thuần cho sản xuất trên địa bàn nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và bảo đảm an ninh lương thực.

 

Ngoài ra, phải kể đến mô hình chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và giống lúa sản xuất trong vụ mùa tại các xã Linh Sơn, Nam Hoà (Đồng Hỷ). Ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ cho hay: Mô hình đã góp phần chuyển đổi được 50 ha diện tích lúa mùa muộn sang trồng lúa mùa sớm, tạo điều kiện tăng thêm diện tích  trồng cây vụ đông... Với mô hình sản xuất ngô giống chất lượng cao tại huyện Phổ Yên với 300 hộ dân tham gia trên diện tích 70ha đã sản xuất được 140 tấn hạt giống đạt tiêu chuẩn.

 

Bên cạnh việc ứng dụng KHCN trong sản xuất lúa, cây màu tỉnh ta còn xây dựng những mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Phúc Thuận (Phổ Yên); mô hình sản xuất, chế biến chè xanh theo hướng an toàn tại vùng chè Trại Cài (Đồng Hỷ), xây dựng vườn chè giống đầu dòng quy mô gia đình tại huyện Phổ Yên với các giống chè chủ lực là LDP1 và Phúc Vân Tiên. Mô hình trồng rau an toàn, hoa - cây cảnh, cây ăn quả... cũng mang lại hiệu quả cao cho người nông dân. Trong lĩnh vực chăn nuôi, việc chuyển giao KHCN đã tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với nhiều giống vật nuôi mới như: Sản xuất giống cá chép lai, nuôi ba ba thương phẩm Thái Lan, cá tầm, cá rô phi, nuôi nhím...

 

Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng thành công mô hình thâm canh thủy sản tổng hợp tại các huyện Phú Bình, Đại Từ, Phú Lương với tổng diện tích là 6ha. Qua quá trình triển khai dự án đã cho sản lượng 71 tấn, thu lãi gần 100 triệu đồng/ha, hiện nay mô hình này đang được mở rộng sang các địa phương khác trong tỉnh. Trong thời gian tới, nhiều giống thuỷ sản có triển vọng khác cũng sẽ được đầu tư chăn nuôi như: cá lăng chấm, cá chầy mắt đỏ...

 

Với phương châm "không làm thay cho nông dân", không hỗ trợ toàn bộ mọi chi phí về vật chất (vì điều này dễ tạo tâm lý trông chờ, ỷ lại) nên trong quá trình thực hiện các dự án, các nhà khoa học vừa tiến hành chuyển giao công nghệ vừa hướng dẫn nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật sản xuất và xây dựng tính chủ động, sáng tạo của bà con trong từng công việc một cách có bài bản.

 

Trong hướng đi tiếp theo, với mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, góp phần đưa nông nghiệp trở thành ngành sản xuất hàng hoá, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, ông Nguyễn Văn Vị, Giám đốc Sở KHCN cho biết: Ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi những tiến bộ KHCN trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn như: Cải thiện giống cây trồng, vật nuôi, lựa chọn các giống có năng suất, giá trị kinh tế cao, khả năng kháng bệnh tốt đưa vào sản xuất; nghiên cứu phục tráng các loài đặc hữu, có giá trị kinh tế cao của địa phương; xây dựng, nhân rộng các mô hình canh tác trên đất dốc và sử dụng đất bền vững; áp dụng các công nghệ sản xuất an toàn (chè, rau, thực phẩm gia súc, gia cầm...), các công nghệ giữ ẩm, tưới cây vùng đồi...

 

Có thể khẳng định, việc ứng dụng rộng rãi KHCN trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh ta đã góp phần thiết thực vào việc chuyển đổi tập quán canh tác của người nông dân miền núi, vùng cao, tạo động lực quan trọng thúc đẩy chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi của từng địa phương và từng bước giúp bà con nông dân xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.