Bếp sao chè tiết kiệm… rừng

15:23, 20/11/2011

Mỗi năm, nông dân xã Tức Tranh (Phú Lương) có thể tiết kiệm được cả tỷ đồng từ việc dùng bếp cải tiến tiết kiệm củi trong chế biến chè và trong sinh hoạt.

Theo ông Trịnh Văn Tường, Chủ tịch UBND Xã Tức Tranh thì điều có ý nghĩa hơn cả đó là việc này đã giúp người dân trong xã giảm đến cả chục ha rừng bị đốn hạ mỗi năm. Chính bởi vậy, mẫu bếp này đã được bà con nông dân mệnh danh là bếp đun cải tiến tiết kiệm… rừng.

 

Gia đình chị Phạm Thị Hạnh, xóm Minh Hợp là một trong những gia đình sản xuất chè lớn trong xã Tức Tranh. Mỗi năm gia đình chị sản xuất khoảng 2 tấn chè khô. Trước đây, gia đình chị dùng khoảng 40 m3 củi mỗi năm để sao chè. Nhưng từ ngày gia đình chị sử dụng bếp cải tiến thì số củi dùng để sao chè đã giảm đi một nửa. Tính trung bình, gia đình chị tiết kiệm được hơn 10 triệu đồng mỗi năm.

 

Đây là loại bếp được cải tiến từ bếp đun thông thường dùng cho tôn quay sao chè. Tuy nhiên, khác với bếp thông thường, bếp cải tiến được đắp ôm kín phần tôn quay để tận dụng tối đa nhiệt lượng từ củi đốt cháy, từ đó tiết kiệm khá nhiều củi nguyên liệu. Không chỉ giảm về lượng củi tiêu thụ, bếp cải tiến còn thể hiện được nhiều ưu điểm khác. Chị Hạnh cho biết, khi sao chè, bếp cải tiến giữ được lượng nhiệt nhiều và phân bố đều trên tôn quay hơn bếp thông thường khiến cho công việc sao chè vừa nhanh lại vừa nâng cao chất lượng chè thành phẩm. Ngoài ra, khói sản sinh ra trong quá trình sao sấy cũng được giảm xuống tối đa. Trước đây, mỗi khi sao chè, cả gian bếp nhà chị Hạnh ngập khói, không khí ngột ngạt không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe mà còn làm ảnh hưởng tới hương vị của chè thành phẩm nhưng hiện nay, chỉ có rất ít khói phát ra trong khu vực sát bếp, người sao chè hầu như không phải hít khói, bụi từ bếp.

 

Mô hình sử dụng bếp cải tiến được thí điểm áp dụng ở xã Tức Tranh từ năm 2008 thông qua Dự án bếp đun cải tiến do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tài trợ. Trung tâm Dân số, Môi trường và Phát triển (thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) và Hội Phụ nữ tỉnh là hai đơn vị trực tiếp triển khai Dự án tới bà con nông dân trồng chè. Tham gia Dự án, người dân được hỗ trợ kinh phí xây bếp và được hướng dẫn kỹ thuật xây dựng, vận hành bếp. Sau thời gian thí điểm, hiệu quả tại một số hộ gia đình như gia đình chị Phạm Thị Hạnh, đông đảo người dân trong xã Tức Tranh đã tự bỏ kinh phí xây dựng bếp cải tiến cho gia đình nhà mình.

 

Đến nay, toàn xã Tức Tranh đã có trên 300 hộ xây dựng bếp cải tiến để chế biến chè. Tính trung bình, mỗi hộ làm chè trong xã tiết kiệm được khoảng 10 m3 củi mỗi năm, cả xã hộ đã tiết kiệm được 3 nghìn m3 củi tương khoảng 1,7 tỷ đồng. Theo cách tính toán khác, thì người dân ở đây đã tiết kiệm được từ 6 đến 10 ha rừng mỗi năm. Anh Nguyễn Văn Bắc, nông dân trồng chè xóm Minh Hợp cho biết, sử dụng bếp cải tiến vừa tiết kiệm lại thuận lợi trong quá trình sản xuất. Trước đây, gia đình anh phải mất cả một sân rộng để tích trữ củi làm chè quanh năm. Tuy nhiên, hiện nay, toàn bộ số củi đã giảm đi một nửa và anh Bắc có thể tận dụng những diện tích trống ở vườn chứa củi, phần sân anh dành cho sinh hoạt gia đình hàng ngày.

 

Anh Đào Văn Đông, xóm Thâm Găng, một kỹ thuật viên xây bếp được chuyển giao kỹ thuật từ Dự án cho biết, kỹ thuật làm những chiếc bếp như thế này không quá khó và giá thành xây dựng, chỉ vào khoảng từ 500 đến 700 nghìn đồng. Còn ông Trịnh Văn Tường, Chủ tịch UBND Xã Tức Tranh thì cho biết, sau hơn 3 năm triển khai đến với người dân, bếp cải tiến đã trở thành công cụ không thể thiếu không chỉ đối với các hộ gia đình làm chè trong xã mà còn được sử dụng rộng rãi trong hộ gia đình, các trường học phục vụ nấu ăn cho học sinh.

 

Giống như Tức Tranh, hầu hết các vùng vùng sản xuất chè thương phẩm trong cả tỉnh, người dân vẫn chủ yếu sản xuất bằng phương pháp thủ công với lượng củi tiêu thụ mỗi năm rất lớn. Toàn tỉnh Thái Nguyên có gần 20 nghìn ha diện tích trồng chè và là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích canh tác, số lượng, chất lượng sản phẩm từ cây chè. Chính vì vậy, mô hình bếp cải tiến tiết kiệm củi nếu được nhân rộng sẽ không chỉ giúp người dân tiết kiệm được khá nhiều chi phí sản xuất, đảm bảo vệ sinh môi trường và quan trọng hơn cả là giúp tiết kiệm được nguồn tài nguyên rừng đang ngày một suy giảm.